Chết vì chứng khoán là một cuốn sách tuyệt vời về cuộc đời của một huyền thoại đầu cơ chứng khoán và cả các hàng hoá trong thị trường tương lai – Jesse Livermore.
Thật may mắn khi Tô được đọc và được học các triết lý đầu cơ của Livermore trong Chết vì chứng khoán.
Hành trình của “Cậu bé đầu cơ” từ nông trại News England tới Phố Wall là một hành trình đầy kỳ bí, đầy khó khăn vất vả. Nhưng Cậu bé đầu cơ đã vượt qua từng thử thách để trở thành một huyền thoại Đầu cơ.
1. Giới thiệu sách Chết vì Chứng khoán – Richard Smitten
Tên sách: Chết vì chứng khoán
Tên sách Tiếng Anh: Jesse Livermore: World’s Greatest Stock Trader
Tác giả: Richard Smitten
Số trang: 352 trang
Ngày xuất bản: 15/10/2001
Nhà xuất bản: Wiley
ISBN: 978-0471023265
Bản tiếng Việt do Alphabooks phát hành nhưng hiện không còn tái bản.
2. Jesse Livermore là ai?
Jesse Lauriston Livermore (26/7/1877 – 28/11/1940) – đồng thời được biết đến với cái tên Cậu bé đầu cơ, Gã đầu cơ liều lĩnh trẻ tuổi, hay con gấu vĩ đại của phố Wall – là một nhà giao dịch chứng khoán đầu thế kỉ 20. Ông nổi tiếng nhờ kiếm được cũng như thua lỗ hàng triệu đô la tiền tài và bán khống cổ phiếu vào thời điểm thị trường suy thoái các năm 1907 và 1929.
Ông sinh ra ở Shrewsbur, Massachusetts trong một gia đình nhà nông nghèo. Năm 14 tuổi, ông bỏ nhà ra đi. Người vợ đầu của ông là Nettie Jordan, người vợ thứ hai là Dorothy Wendt, người vợ thứ ba là Harriett Metz Noble. Ông có hai người con là Jesse Jr. và Paul với người vợ thứ hai. Ông tự sát ngày 28/11/1940 bằng một phát súng vào đầu trong phòng vệ sinh ở khách sạn Sherry Netherland, Manhattan. Trước khi chết, ông đã viết một lời nhắn cho người vợ.
Năm 14 tuổi, ông làm công việc trông coi bảng yết giá tại công ty môi giới chứng khoán Payne Webber ở Boston. Ông dùng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại các thay đổi của cổ phiếu mỗi ngày. Năm 15 tuổi, một người bạn của ông đã rủ ông thử mua cổ phiếu của Burlington. Sau khi xem xét trong cuốn sổ nhỏ và theo nhận định của mình, ông đã dùng hết số tiền mình có để mua cổ phiếu này. 2 ngày sau, ông nhận được 3,12 đôla tiền lãi. Sau lần đầu cơ thành công này, ông bắt đầu có đủ tự tin để mở 1 tài khoản trong 1 công ty chứng khoán chui. Năm 20 tuổi, ông kiếm được nhiều tiền đến mức bị cấm giao dịch ở các CTCK chui trong vùng. 22 tuổi, ông quyết định đến New York để giao dịch ở Phố Wall.
Lúc đầu, ông bị thua lỗ rất nhiều do bảng điện tử niêm yết giá khá chậm còn ông thì đã quen với việc niêm yết giá ngay lập tức của các CTCK chui. Ông lại phải đến các CTCK chui để kiếm tiền. Sau khi bị phát hiện, ông lại trở về New York và bắt đầu kiếm được lãi trên thị trường. Ông cũng đã vài lần phá sản rồi lại kiếm được số tiền đã mất. Ông nổi tiếng với việc bán khống. Ông là một trong số vài người có thể kiếm được lời vào thời điểm khủng khoảng kinh tế 1929
3. Tích luỹ kiến thức như thị trường tích luỹ trước khi bùng nổ
Trên hành trình trở thành huyền thoại, Jesse Livermore đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Jesse Livermore không hề học đại học. Ông coi Phố Wall chính là Harvard của cuộc đời ông.
Thị trường chứng khoán chính là trường học vĩ đại nhất để ông thành công. Là một thiên tài về toán học, nhưng ông đến với phố Wall trong hình dạng của một đứa trẻ nghèo đói và rách nát. Chính Hutton – Ông chủ đầu tiên của Jesse Livermore là người đã “giao trứng cho ác” khi Hutton nhận Livermore làm việc.
Những con số bén duyên kỳ lạ với Livermore. Ông làm việc đầu tiên được trả 6 đô la/tuần. Nhiệm vụ chỉ là cầm phấn, ghi lại những thay đổi về giá của cổ phiếu từ các băng giấy lên bảng để quản lý của ông có thể nhìn được các con số đó.
Đây chính là hành trình tích luỹ đầu tiên của Livermore vì ông được làm việc với vấn đề từ cốt lõi. Livermore không hề biết rằng đó lại chính là Phần quan trọng nhất của thị trường: Tốc độ của thời gian – và Giá cổ phiếu.
Livermore biết từng thay đổi của giá các loại chứng khoán trên từng thị trường và ông âm thầm ghi lại những thứ tưởng chừng đơn giản. Ông nhận ra sự lặp lại của các mô hình, các chu kỳ thời gian và bắt đầu phát triển hệ thống giao dịch cá nhân của ông.
Bài học: Làm việc với chu kỳ thời gian và tỷ giá chứ không phải hình hoạ biểu đồ và chú tâm vào các loại biểu đồ hiện đại. Đó là một công cụ hỗ trợ nhưng cũng là con dao hai lưỡi đang giết các nhà giao dịch Việt Nam.
4. Vốn và những lần mất vốn
Khởi đầu chỉ với 5 USD được mẹ cho từ trang trại tại New England, 14 tuổi Jesse Livermore rời khỏi New England với tham vọng đổi đời.
Với 5USD, Livermore đã tự nhủ rằng ông chắc chắn sẽ phải trả lại cho mẹ mình ngay khi có thể. Trả nợ đã ăn sâu vào Livermore và đó chính là điều “Cậu bé đầu cơ” đã làm trong suốt cuộc đời cho dù phải mất bao nhiêu thời gian.
Gây dựng vốn lần thứ nhất
Đây là khoảng thời gian Livermore làm việc với các con số với số lương ít ỏi – 6 đô la một tuần. Nhưng thà như vậy còn hơn là chết tại Boston.
Livermore bắt đầu tích luỹ cả kiến thức và vốn. Không ai dạy ông bất cứ điều gì cả. Chính thị trường và các băng giấy đã dạy ông.
“Cậu bé đầu cơ” – Livermore hiểu rằng cách duy nhất để biết được liệu những gì ông đang theo đuổi là đúng, và trải qua những cảm xúc thực sự đó là THAM GIA VÀO THỊ TRƯỜNG. Ông quyết định mua một cổ phần.
Ở lần đầu tiên tham gia các văn phòng cá cược tại Boston, Livermore thắng và khoản lợi nhuận đầu tiên là 3$.
Livermore đã trở thành người chơi thực sự. 16 tuổi, cậu bé đã có hơn 1000USD tiền mặt. Cậu quay trở lại thăm nhà trả lại mẹ cậu số tiền và đưa cho mẹ hơn nửa số tiền mình có.
Sau đó Livermore quay lại Boston với số vốn hơn 750$ và tiếp tục.
Livermore bị cấm hoàn toàn tại các văn phòng cá cược.
Mất vốn lần thứ nhất
Cậu bé chuyển sang Manhattan với 2500$ thắng được cộng với số tiền thắng trong các văn phòng cá cược tại Bốtn, Livermore đã có tổng hơn 10.000$.
Livemore rời Boston tới New York và mất toàn bộ số vốn chỉ vì ông xác định đúng thời điểm. Nhưng độ trễ của các băng giấy đã huỷ diệt ông.
Bài học:
“Cậu không bao giờ đổ lỗi cho thị trường. Thật phi logic khi lại đi tức giận với một vật thể bất động, như là con bạc phát điên lên tại bàn đánh bạc với những con bài. Cậu luôn muốn học hỏi từ những lỗi lầm của mình và kiếm lời từ những lỗi lầm ấy. Chẳng có gì phải tranh luận với cái băng giấy cả. Cái băng giấy ấy luôn đúng, chính những người chơi mới sai. Livermore điểm lại những giao dịch không tốt của mình và những kết luận rút ra là rất rõ ràng.”
Chết vì chứng khoán – Richard Smitten
Những bài học từ việc gây dựng vốn và mất vốn của Livermore đều đến từ việc phá vỡ nguyên tắc giao dịch, kỷ luật cá nhân và tin theo lời người khác.
Vụ mất vốn nhiều nhất và phá sản lớn đầu tiên của Livermore là từ việc nghe lời ông Vua Bông – Percy Thomas. Livermore đã nghe lời ngon ngọt của Thomas, bị cuốn theo những hiểu biết của Thomas về thị trường cung – cầu Bông và cuối cùng dẫn tới việc phá sản. Mất hết 3 triệu USD mà Livemore đã kiếm được trước đó.
Vụ mất tiền thứ hai cũng đến từ việc: Tin vào con người. Livermore đã tin vào chính người tưởng như cứu giúp ông trong hoạn nạn. Để rồi phải trả giá vì suy nghĩ tin người này khi chính ông bị lợi dụng và bị giam chân ở một chỗ khi thị trường dậy sóng và mất đi biên lợi.
Vụ mất tiền thứ bao, chính là khi Livermore chuyển qua đầu cơ bất động sản. Và để cho công ty Bất động sản lợi dụng hình ảnh cá nhân để PR cho dự án.
Từ đó Tô đúc kết ra rằng: Tôi có thể tin vào con người, nhưng không bao giờ tin vào con quỷ trong họ. Và chỉ có con đường duy nhất đi tới thành công, khi bạn đặt chân sang một con đường khác nghĩa là bạn đang từ bỏ thành công của chính mình.
5. Vụ sập sàn năm 1929
Livermore có một giác quan đặc biệt với thị trường. Ông luôn ngửi thấy mùi máu nếu có máu. Luôn cảm nhận được thị trường và trước khi khẳng định luôn dùng phép thử.
Vụ sập sàn năm 1929, trước khi xảy ra Livermore cũng đã đánh hơi được. Và để kiểm định rằng cảm nhận và mùi máu đó thực sự tanh, Livermore đã phải thử nghiệm hai lần.
Lần thử nghiệm thứ nhất
Ông bán khống một vài cổ phiếu nhưng thị trường tiếp tục tăng giá và ông phải bù lỗ 250.000USD. Điều đó không thành vấn đề vì giờ đây Livermore đã vượt qua mức triệu phú đô la.
Từ hệ thống tin tức từ London và Paris, cho tới sàn ngũ cốc tại Chicago cho ông biết rằng giá của phần lớn hàng hoá đang giảm tới mức thấp nhất từ trước đến nay. Livermore đã đặt câu hỏi về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ và các quốc gia khác. Ông cảm nhận rằng thế giới sắp rơi vào tình trạng giảm lạm phát nghiêm trọng.
Lần thử nghiệm thị trường thứ hai
Lần thứ hai, Livermore kiểm tra suy đoán cá nhân một lần nữa, nhưng suy đoán vẫn chưa chính xác và ông tiếp tục phải bù lỗ khi thị trường đi ngược chiều lần thứ hai.
Lần thử nghiệm thị trường thứ ba
Ở lần thứ ba vào cuối mùa hè, Livermore tiếp tục kiên trì với nhận định rằng thị trường sẽ đảo chiều. Ông tiếp tục bán khống và lần này ông đúng. Ông có lợi nhuận và dù chưa nhiều, nhưng đã có lãi.
Lần thứ ba, Livermore chắc chắn nhận định là đúng.
Sự kiên trì bền bỉ được đền đáp. Đó là nghệ thuật câu cá: Chuẩn bị mồi tốt, kiên trì và nhẫn nại, cuối cùng sẽ câu được cá.
Hành động cho quy mô lớn hơn bắt đầu.
Trận đánh cuối cùng – Sập sàn năm 1929
Mùa hè năm 1929, Livermore – Con sói đơn độc của phố Wall bắt đầu bán khống cổ phiếu trong khi thị trường vẫn tăng điểm mạnh. Giá các loại hàng hoá đang giảm. Các dấu hiệu báo hiệu thị trường lên đỉnh xuất hiện:
- Giá các cổ phiếu dẫn đầu cạnh tranh nhau khiến cho thị trường không thể TẠO RA MỨC CAO MỚI.
- Những người thông minh bán cổ phiếu cho công chúng với lòng tham vô hạn.
- Cổ phiếu tốt bán ở mức gấp 30, 40, 50, 60 lần so với lợi nhuận hằng năm. Thường thì chúng chỉ được bán ở mức gấp 8 – 12 lần so với lợi nhuận hằng năm.
- Các công ty công nghệ cao ngày càng nhiều.
- Các cổ phiếu dẫn đầu không tạo ra được mức cao mới trên thị trường.
Mùa thu năm 1929, Livermore cùng Dache tính toán xem ông đang đứng ở đâu. Ông tự nhẩm tính trong đầu, và ngay khi Dache định công bố kết quả thì Livermore giữ tay anh ta. Livermore nói ra con số ông tự nhẩm tính. Dache gật đầu. Livermore luôn đúng.
Thị trường biến động – cơn bão nổ ra.
Cơn đại hồng thuỷ nổ ra ngay khi phiên giao dịch bắt đầu. Trong 30 phút đầu tiên, Một khối lượng cổ phiếu khổng lồ 50.000 cổ phiếu của Chrysler, General Electric, International Telephone và Telegraph, Standard Oil đều bị bán đại hạ giá.
AT&T với giá trị cổ phiếu đạt đỉnh điểm 310USD/Cổ phiếu vào mùa hè nay chỉ còn 204USD/Cổ phiếu.
RCA với mức 110USD giờ rất khó mới khớp lệnh được ở mức 26USD.
Sự hoảng loạn của khách hàng bỗng trở thành động lực và tiếp sức thêm cho thị trường đi xuống
- Các nhà đầu cơ đứng nhìn yên lặng trong nỗi kinh hoàng, có người chạy, gào thét như kẻ điên trên sàn của các trung tâm giao dịch.
- Chính phủ – Uỷ ban dự trữ quốc gia họp ở Washington với Bộ trưởng Mellon.
- Nội các họp, Tổng thống Hoover bàn bạc với bộ trưởng thương mại Lamont.
- Giám đốc các ngân hàng hàng đầu tập trung tại văn phòng của J.P. Morgan Jr.
8.000.000 (TÁM TRIỆU) cổ phiếu được khớp lệnh.
15.000.000.000 USD (15 TỶ USD) trị giá cổ phiếu tại thời điểm 1929 đã tan vào hư không.
Các nhà đầu cơ thua lỗ:
- Bắt đầu nhảy lầu từ khách sạn.
- Đóng kín cửa và bật khí ga tự tử.
- Uống thuốc độc.
- Dùng súng để kết liễu cuộc đời.
Họ để lại duy nhất một lời nhắn ngắn ngủi:
Tất cả đã biến mất. Hãy nói với bọn trẻ rằng anh không thể trả được món nợ.
Ngày Thứ Ba đen tối – Thứ Ba, ngày 29/10/1929 thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ.
29/10/1929, “ngày thứ Ba đen tối” đã ập xuống phố Wall khi các nhà đầu tư bán tháo đến 16.410.030 cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York chỉ trong một ngày. Hàng tỷ đô la bốc hơi, khiến hàng ngàn nhà đầu tư kiệt quệ. Các báo cáo cập nhật giá cổ phiếu bị đình trệ nhiều giờ liền do máy móc khi đó chưa thể xử lý nổi khối lượng giao dịch lớn đến như vậy. Sau ngày thứ Ba đen tối, Hoa Kỳ và các nước còn lại trong thế giới công nghiệp rơi vào vòng xoáy Đại suy thoái.
Ngày Thứ Ba Đen Tối – Ngày mà Jesse Livermore thắng lợi lớn nhất và cũng là ngày mà ông cảm thấy cô đơn nhất trên thị trường. Tại sao ông lại thấy trống rỗng và vắng lặng?
6. Các quy tắc giao dịch và quản lý tiền của Jesse Livermore
Trong suốt cuộc đời mình, Jesse Livermore đã luôn coi mình như một cậu sinh viên đang tìm tòi, học hỏi về thị trường chứng khoán và các loại hàng hoá trong thị trường tương lai.
Ông đã hoàn thiện các lý thuyết về Giao dịch cá nhân cũng như đưa ra các quy tắc về tài chính cho riêng mình.
Và phía dưới đây là các nguyên tắc của ông:
Nguyên tắc dành cho nhà đầu cơ chứng khoán
Lời khuyên thứ nhất: Không phải ai cũng có thể đầu cơ cổ phiếu.
Người đầu cơ cổ phiếu cần có kỹ năng chơi, đam mê và khả năng dự đoán bằng trực giác. Ngoài ra, cũng cần có khả năng quan sát mà người bình thường không có; có trí nhớ tốt để nhớ chính xác các sự kiện đã qua, đặc biệt là số liệu.
Đầu cơ cổ phiếu không phải là thiên hướng của tất cả mọi người. Không phải ai cũng có thể đầu cơ cổ phiếu.
Lời khuyên thứ hai: Tự học hỏi từ kinh nghiệm của bản thân
Học từ kinh nghiệm của chính mình là việc tối quan trọng. Một nhà đầu cơ có thể có khả năng quan sát và trí nhớ tốt, nhưng lại không có kinh nghiệm. Hay một thương gia có thể có kinh nghiệm mà không có khả năng quan sát hoặc trí nhớ tốt, hoặc không có năng khiếu toán học. Nhưng một thương gia thành đạt cần tất cả các yếu tố này, và theo tôi yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành công bền vững là kinh nghiệm.
Lời khuyên thứ ba: Dành tất cả sự tập trung cho đam mê và theo đuổi đam mê.
Anh chỉ nên đầu cơ chứng khoán nếu xem nó là nghề chính thức và dành hết thời gian cho nó. Không nên dùng mánh khoé đầu cơ. Không nên quá lo lắng về việc phải bán giá cao nhất hay mua được giá thấp nhất.
Nên mua cổ phiếu với số lượng có thể kiểm soát được. Mua nhiều cổ phiếu, cũng giống như nuôi lũ mèo, rất khó kiểm soát. Nếu chẳng may bị lỗ, không nên lo lắng, và cố gắng rút kinh nghiệm. Nhưng nếu bị thua lỗ quá nhiều lần sẽ dẫn đến phá sản. Chỉ nên đầu tư lớn và chuyên sâu khi gặp điều kiện thuận lợi.
Lời khuyên thứ tư: Biết cách tạm nghỉ và thư giãn
Mỗi khi anh thắng cuộc, cần biết cách tạm nghỉ và thư giãn. Đừng có chơi không ngừng nghỉ trên thị trường chứng khoán. Trò này không bao giờ chấm dứt và quá khó khăn để ngừng lại.
Lời khuyên thứ năm: Luôn có tiền mặt trong người
Và cuối cùng, tôi tin anh thích điều này Ed ạ, nên giữ một ít tiền mặt. Cũng như anh bây giờ, anh có thể đang có hàng trăm nghìn đô la trong người.
Tôi đã tiến hành những giao dịch lớn và kiếm nhiều lợi nhuận vì tôi luôn có tiền mặt dự phòng.
Nguyên tắc quản lý tiền của Jesse Livermore
Nguyên tắc thứ nhất: Đừng để mất tiền.
Đừng để mất phần vốn góp của bạn. Những người đầu cơ mà không có tiền thì cũng giống như một người thủ kho mà không có hàng hoá trong kho.
Nguyên tắc thứ hai: Luôn biết tạo lập một điểm dừng
Cũng giống như việc bạn phải quyết định số cổ phiếu mà bạn muốn mua, tỷ lệ phần trăm của danh mục đầu tư bạn sẽ đầu tư trong bất kỳ cuộc chơi nào. Cùng với đó là các mức giá mà bạn quyết định mua vào, các mức giá sẽ bán ra khi giá đi đúng kỳ vọng của bạn. Và mức giá thoát hoàn toàn khỏi thị trường nếu giá đi ngược với kỳ vọng của bạn.
Nguyên tắc thứ ba: Dự trữ tiền mặt
Nhà đầu cơ thành công phải luôn có tiền mặt dự trữ, cũng giống như một vị tướng tài cần có quân đội dự bị nhằm huy động vào những lúc thích hợp và sau nữa là để tạo ra sức thuyết phục lớn, đảm bảo đi tới chiến thắng cuối cùng sau khi chờ đợi cho đến khi giành được mọi lợi thế.
Nguyên tắc thứ tư: Hãy để vị thế dẫn đường.
Nếu bạn không có một cơ sở nào để từ bỏ, hãy tiếp tục. Nó có thể trở thành một món lợi lớn. Chừng nào mà thị trường chứng khoán và cổ phiếu không khiến cho bạn phải lo lắng, hãy kiên quyết giữ vững quan điểm của bạn và hãy tiếp tục cuộc chơi.
Nguyên tắc thứ năm: Nắm giữ lợi nhuận bằng tiền mặt
Tôi đề nghị nên dừng ở mức 50% lợi nhuận thu được từ một giao dịch thành công, đặc biệt khi giao dịch này làm lượng vốn ban đầu bạn bỏ ra tăng gấp đôi. Bạn hãy dự trữ tiền và gửi chúng vào ngân hàng, hoặc đặt nó trong các két an toàn.
7. Nghề – Nghiệp – Và Đam mê
Sinh nghề – Tử nghiệp nhưng không bao giờ từ bỏ đam mê.
Livermore sinh ra là dành cho chứng khoán, và các thị trường hàng hoá tương lai. Cả cuộc đời ông sống trong thế giới đó. Sinh ra là dành cho nghề. Chết cũng vì nghiệp nhưng cả cuộc đời Livermore chưa bao giờ từ bỏ đam mê.
Đam mê dành cho thị trường chứng khoán. Đam mê tìm ra các điểm mấu chốt trên thị trường và tập trung vào những điểm đó.
Cả cuộc đời Livermore đã luôn tìm cách chinh phục thị trường và ông đã làm được điều đó. Nhưng may mắn đó lại không đến quá nhiều trong cuộc sống cá nhâ.
Livermore đã có được 14 năm suôn sẻ bên bà Dorothy. Sau đó là chuỗi những tháng ngày mà ông quan hệ tình ái với nhiều phụ nữ.
Ngày 19/12/1933, Livermore rơi vào trạng thái tuyệt vọng nặng nề nhất trong suốt cuộc đời.
Ngày 05/03/1934, Livermore đã sụp đổ hoàn toàn và nộp đơn xin phá sản lên toà án liên bang.
Ngày 07/03/1934, Livermore tự động bị khai trừ khỏi Uỷ ban thương mại Chicago.
Livermore đã mất tất cả.
Ngày 29/12/1935, Dorothy – Vợ cũ của Livermore bắn vào lồng ngực người con trai cả của bà và Livermore là Jesse Jr. 16 tuổi. Jesse Jr. Sau đó thoát khỏi nguy kịch, Dothory được tuyên trắng án. Livermore có quyền nuôi 2 con trai mãi mãi.
Tháng 3 năm 1940, Livermore hoàn thành và cho xuất bản cuốn sách: How to trade in stockmarket? – Làm thế nào để kinh doanh trong thị trường chứng khoán?
8. Chết vì Chứng khoán
17h33 phút ngày 28/11/1940 Livermore rút khẩu súng lục Colt đường kính 32 ly và đẩy nhẹ nòng súng, nạp đầy đạn vào ổ. Khẩu súng được ông mua năm 1928, trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ và khi đó ông sống ở Evermore.
Livermore đạt nòng súng phía sau tai phải và bóp cò.
9. Lời kết
Bài viết về cuốn sách Chết vì chứng khoán nhân kỷ niệm đúng ngày Jesse Livermore ngừng việc học hỏi về thị trường chứng khoán. Dừng chặng đường huyền thoại về Cậu bé đầu cơ và để lại di sản về Bán khống cho Thị trường chứng khoán toàn cầu.
Những di sản của Livermore cùng với lý thuyết và cuộc đời của ông là một bài học vô giá về phương pháp giao dịch, và về cách quản lý tiền, làm chủ cảm xúc khi tham gia thị trường đầy khốc liệt này.
Tô viết bài viết này với tư cách là một Nhà giao dịch, một người đang được hưởng những di sản mà Livermore để lại!
Tưởng nhớ ông – Jesse Livermore.
Tô Triều, Hà Nội, ngày 28/11/2018
5 bình luận
Đọc qua phân review thì phong cách giao dịch cụ Tô có phần nào giống với những lời khuyên của Jess livermore
Quyển này hình như không còn bán trên thị trường nữa ý nhỉ?
Bài viết tâm huyết mà hình như ít ai đọc nhỉ? Cái mình nhớ nhất trong các nguyên tắc của ông có lẽ là “nhớ chừa tiền mặt” 🙂
Những nguyên tắc quản lý tiền và đầu tư của ông vẫn đúng cho đến hiện tại và cả tương lai về sau.
Phải nói Jesse Livermore ảnh hưởng rất nhiều tới Tư duy và phong cách giao dịch của mình hơn bất cứ Trader huyền thoại nào.