Lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) muốn thay đổi là “lãi suất quỹ liên bang” (federal funds rate, hay lãi suất liên ngân hàng qua đêm), tức lãi suất mà các ngân hàng trả cho nhau cho các khoản vay qua đêm.
Các khoản vay này được thực hiện bởi vì Fed yêu cầu các ngân hàng phải giữ một số tiền tối thiểu trong tài khoản của họ tại Fed mỗi đêm. Các ngân hàng có số dư dồi dào có thể cho những ngân hàng thiếu tiền vay để giúp họ đáp ứng được mức dự trữ của mình.
Trong quá khứ, Fed đã thay đổi lãi suất của các khoản vay này bằng cách mua và bán trái phiếu chính phủ.
Ví dụ, khi Fed bán trái phiếu chính phủ cho một ngân hàng, Fed sẽ trừ tiền từ tài khoản của ngân hàng tại Fed (cũng giống như một ngân hàng có thể tính phí đối với khách hàng bằng cách trừ tiền từ tài khoản thanh toán của họ). Điều này làm cho tiền khan hiếm hơn, nhưng các ngân hàng vẫn phải đáp ứng số dư tối thiểu của họ trong tài khoản tại Fed. Kết quả là lãi suất của các khoản vay qua đêm tăng lên, và cùng với đó là chi phí tín dụng cho nền kinh tế nói chung.
Nguyên tắc rất đơn giản: vì Fed kiểm soát nguồn tiền dự trữ, nó cũng có thể kiểm soát giá cả của nguồn cung tiền này. Nhưng cơ chế này không còn nữa. Đó là bởi vì kể từ năm 2008, theo chính sách được gọi là “nới lỏng định lượng”, Fed đã mua vào số trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán khác trị giá 3,8 nghìn tỉ đô la nhằm kích thích nền kinh tế. Khi làm như vậy, Fed tạo ra lượng tiền mới rất lớn, khiến các ngân hàng hiện nay đang tràn ngập dự trữ. Để có thể đẩy lãi suất lên, Fed cần giảm những vụ mua trái phiếu này, điều Fed vẫn chưa sẵn sàng làm cho tới khi lãi suất lên mức cao hơn. Vậy Fed có thể làm gì?
Hiện Fed đang sử dụng hai công cụ để giữ lãi suất nằm ở giữa khoảng 0 và 0,25%.
Một là lãi suất mà Fed trả cho các khoản tiền gửi tại Fed vượt quá mức dự trữ bắt buộc. Khoản này được gọi là Lãi suất dự trữ dư thừa (IOER). Không ngân hàng nào muốn cho khách hàng vay ở lãi suất thấp hơn so với IOER, bởi vì gửi tiền mặt tại Fed sẽ ít rủi ro hơn cho khách hàng bình thường vay. Tuy nhiên, một số tổ chức phi ngân hàng, chẳng hạn như các quỹ đầu tư chứng khoán của thị trường tiền tệ (money market funds),[1] những tổ chức không có tài khoản tại Fed, đã sẵn sàng cho vay ở lãi suất thấp hơn IOER. Vì vậy, IOER không phải là mức lãi suất sàn cứng. Trong thực tế, hiện lãi suất đang được thiết lập ở mức 0,25% – một mức trần. Theo lời các quan chức, khi được nâng lên, nó sẽ đóng vai trò như một thỏi “nam châm” và kéo các mức lãi suất khác lên theo.
Công cụ thứ hai được gọi là “thỏa thuận mua ngược lại qua đêm” (overnight reverse repurchase agreement). Biện pháp này thực ra không rắc rối như tên gọi của nó. Fed bán các loại chứng khoán cho nhà đầu tư, và đồng ý mua chúng trở lại sau đó. Trong thực tế, Fed coi như vay tiền từ các nhà đầu tư, và dùng các loại chứng khoán đó làm tài sản thế chấp. Điều này cũng đặt ra một mức sàn lãi suất, bởi tại sao một nhà đầu tư lại cho một ngân hàng vay với mức lãi suất thấp hơn những gì Fed sẵn sàng trả, trong khi Fed còn được chính phủ bảo lãnh?
Điều quan trọng là chính các nhà đầu tư tham gia vào các giao dịch “mua ngược lại qua đêm” này cũng chính là những người có thể làm suy yếu IOER. Khi Fed nâng cả lãi suất IOER lẫn lãi suất “mua ngược lại qua đêm”, lãi suất liên ngân hàng qua đêm trên lý thuyết cũng sẽ tăng theo. Liệu có chắc chắn như vậy không? Fed đã thử nghiệm những công cụ này kể từ tháng 9 năm 2013, và tin chắc như vậy. Các lý thuyết dường như cũng có cơ sở vững chắc. Nhưng có lẽ không ai sẽ biết chắc cho đến ngày 16 tháng 12 (khi Fed nâng lãi suất).
—
[1] Hay còn gọi là Quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn, như giấy chấp nhận thanh toán, trái phiếu kho bạc, thương phiếu và chúng chỉ tiền gửi khả nhượng. Hầu hết các quỹ đều đầu tư vào những chứng từ có chất lượng cao, mặc dù một số quỹ đã mua vào những chứng khoán có xếp hạng không đầu tư đem lại lợi suất tốt hơn (Theo Saga).
Nguồn: “How the Fed will raise interest rates”, The Economist, 14/12/2015.