Hàng hoá trên thị trường chứng khoán: Các loại chứng khoán

Hàng hoá trên thị trường chứng khoán rất đa dạng chứ không phải chỉ có mua bán cổ phiếu như nhiều người lầm tưởng.

Thị trường chứng khoán đề cập đến các thị trường công khai tồn tại để phát hành, mua và bán cổ phiếu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán.

Cổ phiếu đại diện cho quyền sở hữu theo từng phần trong một công ty. Thị trường chứng khoán là nơi mà các nhà đầu tư có thể mua và bán quyền sở hữu các tài sản có thể đầu tư đó.

Một thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. TTCK mang lại cho các công ty khả năng tiếp cận vốn nhanh chóng từ công chúng.

Hàng hóa trên thị trường chứng khoán

Từ cơ cấu thị trường chứng khoán, hàng hóa trên thị trường bao gồm nhiều loại. Xét về mặt lịch sử và theo cách gọi có tính thống nhất, các loại hàng hóa này đều có tên gọi chung là CHỨNG KHOÁN.

Sự hình thành và phát triển của TTCK được quyết định trước tiên bởi sự xuất hiện của chứng khoán cùng với chất lượng và số lượng của chúng.

Có nhiều định nghĩa về chứng khoán được quy định trong các bộ luật có liên quan tại từng quốc gia, trong từng giai đoạn.

Theo khoản 1, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)

1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

  • a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  • b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  • c) Chứng khoán phái sinh;
  • d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Định nghĩa chứng khoán khái quát:

Chứng khoán là những chứng thư dưới dạng vật chất hoặc điện tử xác nhận quyền hợp pháp của chủ sở hữu chứng khoán và có thể được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng trên TTCK.

Hàng hoá trên thị trường chứng khoán: Các loại chứng khoán
Hàng hoá trên thị trường chứng khoán: Các loại chứng khoán

Đặc điểm của hàng hoá trên thị trường chứng khoán

Hàng hoá trên thị trường chứng khoán (gọi tắt là chứng khoán) có các đặc điểm cơ bản sau:

Chứng khoán là các giấy tờ có giá trung và dài hạn, tồn tại dưới hình thức chứng chỉ. Chứng khoán là chứng từ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tổ chức phát hành bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, có ba thuộc tính:

  • Sinh lời: Chứng khoán có khả năng sinh lời kép (lợi tức và chênh lệch giá).
  • Tính thanh khoản: Chứng khoán có tính thanh khoản cao khi dễ dàng chuyển sang tiền mặt với thời gian ngắn, chi phí thấp, thủ tục đơn giản, trên cơ sở đảm bảo giá trị tiền tệ của chứng khoán đó.
  • Tính rủi ro: Là đe dọa về an toàn vốn và thu nhập đối với nhà đầu tư, là kết quả đạt được không theo ý muốn của nhà đầu tư. Chứng khoán có rủi ro kép từ sự mất giá của chứng khoán và lợi tức không như kỳ vọng.

Quyền hợp pháp của chủ sở hữu chứng khoán

Quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu chứng khoán được pháp luật bảo hộ thông qua Luật chứng khoán. Trong đó có ba quyền cơ bản:

  • Quyền sở hữu đối với chứng khoán vốn
  • Quyền chủ nợ đối với chứng khoán nợ
  • Quyền về tài chính có liên quan đến chứng khoán phái sinh.

Các loại chứng khoán

Thông thường chứng khoán gồm 3 loại cơ bản là:

Cổ phiếu (Stock)

Theo khoản 2, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)1

Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Định nghĩa này không thay đổi so với Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010.

Theo khoản 1, Điều 120 Luật Doanh Nghiệp Việt Nam Năm 2014 (Số 68/2014/QH13)2 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015:

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Như vậy, chính công ty cổ phần đã khai sinh ra cổ phiếu và chỉ có công ty cổ phần mới được quyền phát hành cổ phiếu.

Giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu tại Việt Nam
Giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu tại Việt Nam

Các cổ đông – người mua cổ phiếu của công ty – là người góp vốn cùng công ty hoạt động để tạo ra vốn điều lệ, là người chủ sở hữu công ty. Vì vậy cổ phiếu còn được gọi là chứng khoán vốn.

Trái phiếu (Bond) (chứng khoán nợ)

Theo khoản 3, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)3

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Bản chất kinh tế của trái phiếu là quan hệ tín dụng. Người phát hành có tư cách là người đi vay, người mua trái phiếu là người cho vay và được gọi là trái chủ (chủ nợ).

Trái phiếu chính phủ - Government Bonds
Trái phiếu chính phủ – Government Bonds

Chứng chỉ quỹ đầu tư

Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng.

Loại chứng khoán này gắn với hoạt động huy động vốn của quỹ đầu tư chứng khoán.

Theo khoản 4, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)4

Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

Mệnh giá của chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng.

Các chứng khoán phái sinh (Derivatives)

Các chứng khoán phái sinh ra đời từ một sản phẩm tài chính hoặc loại hàng hóa nào đó – được gọi là tài sản cơ sở như hàng hóa, cổ phiếu, một khoản vay… Giá trị của nó được xác định dựa vào giá trị của chính tài sản cơ sở. Do đó người ta gọi đây là các chứng từ có nguồn gốc tài chính hoặc các chứng khoán phái sinh.

Theo khoản 9, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)5

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Luật này cũng quy định: Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh (sau đây gọi là tài sản cơ sở) là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh”.

Như vậy, đại đa số nhà đầu tư mới tham gia thị trường có khái niệm bị thiếu rằng Đầu tư chứng khoán chỉ là đầu tư cổ phiếu.

Sau khi tìm hiểu kỹ về các loại hàng hoá trên thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ phải bổ sung vào khái niệm chứng khoán các loại hàng hoá khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ…

Lưu Ý Khi Tự Học Chứng Khoán

Thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng an toàn hơn thị trường chứng khoán. Với nhà đầu tư mới, Tôi khuyên các bạn không nên lạm dụng tài khoản Margin để giao dịch. Nên mua chứng khoán cơ sở Việt Nam bằng số tiền bạn có.

Tham khảo bài đầu tiên: Thị trường chứng khoán là gì?

1, 3, 4, 5: Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)
2: Luật Doanh Nghiệp Việt Nam Năm 2014 (Số 68/2014/QH13). Tuy nhiên, trong Luật doanh nghiệp – Luật số: 59/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2021 thì khái niệm Cổ phiếu đã được loại bỏ.

Picture of Tô Triều

Tô Triều

Tôi là Tô Triều, Tôi viết về Forex, Vàng, Chứng Khoán, Crypto, Commodities với tình yêu và sự chân thành.

Viết thư cho Tô 👉 contact@tohaitrieu.net. Hoặc trò chuyện trực tiếp tại Bình luận, Discord, Youtube, Facebook.

Đánh giá phân tích

5/5 - (5 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Được đọc nhiều

Giao dịch tháng này

  • DOANH THU 12,742.52 $

    Tổng lợi nhuận các giao dịch tháng này

  • CHI PHÍ -6,605.52 $

    Tổng thua lỗ các giao dịch tháng này

  • LỢI NHUẬN 6,137.00 $

    Kết quả Lợi nhuận + Thua lỗ tháng này

Bài học mới