Hội chứng hoa Tulip là một trong sáu vụ bong bóng kinh tế chấn động lịch sử.
Bong bóng kinh tế xảy ra khi hiện tượng đầu cơ tràn lan trên thị trường làm giá cả hàng hóa hoặc tài sản giao dịch tăng đột biến đến mức không tưởng. Sự nhảy vọt tài chính bất ngờ này là cơ hội để người đầu cơ kiếm bẫm trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy các tay chơi càng ham hố đầu cơ mạo hiểm hơn nữa.
Hoa tulip luôn được nhắc tới như một biểu tượng của tình yêu. Thế nhưng, vào thế kỷ 17 tại đất nước Hà Lan, loài hoa này lại hiện diện cho “sự tàn vong” của những nhà đầu tư quá tham vọng.
Hà Lan lâm vào cảnh “ba chìm bảy nổi” không lâu sau khi hoa tulip trở thành cơn sốt ở thị trường châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ 16. Lúc đó, tulip tượng trưng cho địa vị và quyền lực, chỉ dành riêng cho giới quý tộc và những kẻ lắm tiền yêu hoa. Khi lượng cầu vượt quá lượng cung, các nhà buôn đã khởi đầu canh bạc của mình để mua bằng được giống hoa hiếm này. Thợ nề, mục sư hay luật sư… đều nằm trong số đám đông đổ mạnh dòng vốn vào thị trường củ hoa.
Hội chứng hoa Tulip là gì?
Hội chứng hoa tulip, hay là bong bóng Uất kim hương là một giai đoạn trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, giá thỏa thuận của một củ tulip (uất kim hương) khi ấy mới xuất hiện tăng vọt tới mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ.
Khi cơn sốt hoa tulip lên tới đỉnh điểm vào tháng 2 năm 1637, một số củ tulip được bán với giá gấp hơn 10 lần thu nhập hàng năm của một thợ thủ công lành nghề.
Đây nhìn chung được coi là bong bóng đầu cơ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử (hay là bong bóng kinh tế), mặc dù một số nhà nghiên cứu lưu ý rằng Kipper- und Wipperzeit trong giai đoạn 1619-22, một chuỗi các vụ phá giá đồng tiền kim loại tại châu Âu để lấy chiến phí cũng có những đặc điểm tương tự với một bong bóng.
Thuật ngữ “Hội chứng hoa tulip” nay được dùng như một ẩn dụng để chỉ bất kỳ một bong bóng kinh tế lớn nào (khi giá tài sản tách rời giá trị nội tại).
Sự kiện này trở nên nổi tiếng sau cuốn sách “Những ảo giác nổi tiếng và sự điên loạn của đám đông” xuất bản năm 1841 của nhà báo Anh Charles Mackay.
Theo Mackay, đã có lúc người ta sẵn sàng trả 5 ha đất để có một củ tulip loại Semper Augustus. Mackay cho rằng những nhà đầu tư như thế phá sản khi giá giảm và thương mại Hà Lan phải chịu một cú sốc nặng nề.
Mặc dù cuốn sách của Mackay ngày nay vẫn được in lại rộng rãi, nhưng ghi chép của ông còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều học giả hiện đại tin rằng cơn sốt này không bất thường như những gì Mackay miêu tả, một số thậm chí còn cho rằng biến động về giá thậm chí còn chưa tới mức của một bong bóng.
Lịch sử hoa tulip tại Hà Lan
Hoa tulip được đưa từ Đế quốc Ottoman vào châu Âu vào giữa thế kỷ XVI và rất được ưa chuộng tại Các tỉnh thống nhất.
Việc trồng hoa tulip tại Các tỉnh thống nhất nhìn chung được cho là đã bắt đầu từ khoảng năm 1593 khi nhà thực vật học người Flander Charles de l’Écluse được bổ nhiệm vào một vị trí tại trường Đại học Leiden và xây dựng nên vườn thực vật hortus academicus. Ở đây, ông trồng bộ sưu tập củ tulip của mình do Đại sứ của Hoàng đế Ferdinand I (Đế quốc La Mã Thần thánh) tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ogier de Busbecq. Loại cây này có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt của Vùng đất thấp, và ngay sau đó trở nên rất được ưa chuộng.
Hoa Tulip nhanh chóng trở thành một xa xỉ phẩm, một biểu tượng cho địa vị.
Hoa Tulip được phân thành các nhóm:
- Couleren: Là loại hoa Tulip đơn sắc như đỏ, vàng hay trắng
- Rosen: Là loại hoa Tulip đỏ hoặc hồng trên nền trắng
- Violetten: Tím hoặc hoa cà trên nền trắng
- Bizarden: Là loại hoa Tulip ít gặp hơn và được ưa chuộng nhất với đặc điểm nhận dạng là đỏ, nâu hay tím trên nền vàng
Những củ tulip kỳ lạ và rất được săn đón này sẽ cho ra những bông hoa có màu sắc sặc sỡ với sọc và ánh hồng trên cánh hoa. Ngày nay người ta biết rằng loại hoa này đã bị nhiễm một loại virus riêng của hoa tulip còn gọi là “virus ăn hoa tulip”, một loại virus khảm.
Tranh phóng dụ về cơn sốt hoa tulip của Hendrik Gerritsz Pot, khoảng năm 1640. Xe của nữ thần hoa Flora lăn bánh nhờ sức gió, trên xe còn có một kẻ nghiện rượu, người đổi tiền và một phụ nữ hai mặt. Theo sau họ là những người thợ dệt phóng đãng khu Haarlem. Tất cả đang đi trên con đường tới biển cả diệt vong.
Đỉnh cao đầu cơ hoa tulip
Mùa thu năm 1636, thời điểm mà điều thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Hà Lan không phải là chỉ số chứng khoán Dow hay Nasdaq mà chính là giá của những bông hoa tulip. Loài hoa này đã làm say mê của những nhà làm vườn và lượng cầu về hoa tulip đã vượt hơn hẳn lượng cung.
Hà Lan vừa mới phục hồi sau cơn khủng hoảng kinh tế và người nông dân nơi đây đã có tiền để mạnh tay tiêu pha. Việc mua bán củ hoa tulip trở thành cách đầu cơ điên cuồng vì họ tin là giá loại “cổ phiếu” này sẽ tăng lên trong tương lai. Có những tuần giá có thể tăng gấp đôi. Doanh nhân, thợ nề, mục sư và cả luật sư đều trở thành những thương nhân đổ mạnh dòng vốn ra thị trường.
Giá cả tăng nhanh đến chóng mặt. Cho đến đỉnh điểm, một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay.
Một người yêu hoa tulip và muốn đầu cơ nó, bỏ ra 3000 guđơ (tiền Hà Lan) không phải là quá đắt để sở hữu một củ tulip có giá trị.
Năm 1637, một nhà văn đã chỉ ra rằng lượng tiền để mua củ tulip có thể mua được những thứ sau:
- tám con lợn
- bốn con bò
- 12 con cừu
- 24 tấn lúa mì
- một con tàu
- 1 chiếc giường ngủ
- 48 tấn lúa mạch đen
- 2 thùng rượu lớn (loại 240 lít)
- 4 thùng bia
- 2 tấn bơ
- 453 kg phomat
- 1 tách bạc
Bong bóng hoa tulip tan vỡ
Sau khoảng một thời gian tăng giá chóng mặt, đến tháng 2 năm 1637 giá hoa Tulip đột nhiên rơi xuống mức không ngờ.
Các nhà buôn hoảng hốt khi giá của củ tulip giảm xuống chỉ còn 1% so với trước và đôi khi còn giảm hơn.
Lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xoá sạch. Tulipomania (hội chứng hoa tulip) đã kết thức nhanh chóng giống hệt như là lúc nó bắt đầu.
Nguyên nhân có Hội chứng hoa tulip
Nghiên cứu về cơn sốt hoa tulip rất khó khăn vì dữ liệu từ những năm 1630 rất hạn chế, đa phần trong số đó lại đến từ những nguồn thiên lệch và khắt khe với giới đầu cơ.
Mặc dù những lời giải thích này nhìn chung không được chấp nhận nhưng một số nhà kinh tế hiện đại đã đề xuất những lời giải thích hợp lý cho sự lên xuống của giá cả thay vì đổ lỗi cho cơn sốt đầu cơ.
Ví dụ như các loại hoa khác như lan dạ hương cũng rất đắt khi mới xuất hiện nhưng rồi cũng hạ rất nhanh. Giá cũng có thể bị đẩy lên cao vì hy vọng vào một sắc lệnh của Quốc hội cho phép hủy bỏ hợp đồng chi phí nhỏ, nhờ đó mà giảm thiểu rủi ro về phía người mua.
Mối liên hệ với Lan Đột Biến tại Việt Nam
Trong khi Đại dịch COVID-19 đang trở nên phức tạp và khó lường hơn lúc nào hết thì ở Việt Nam bùng lên cơn sốt Lan Phi Điệp Đột Biến Trắng có dấu hiệu tương tự với Hội chứng hoa Tulip vào thế kỷ 16.
Chỉ cần gõ vào từ khóa “lan đột biến” trên Google, bạn sẽ nhận ngay về khoảng 49.100.00 kết quả.
Trên cộng đồng mạng xuất hiện khá nhiều giao dịch mua – bán lan đột biến với giá cao khó tưởng tượng, từ vài trăm triệu đến vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng, khiến cả giới chơi lan lẫn giới nghiên cứu lan trong nước đều thấy “choáng váng”.
Ban đầu xuất hiện giao dịch mua lan đột biến trên 1 tỉ đồng đã khiến giới chơi lan “phát sốt”, sau lại tăng dần.
Có thương vụ công khai của một “đại gia” ở Bình Thuận, mua 3 cây lan với giá tổng cộng lên tới gần 32 tỉ đồng.
Đặc biệt, chủ nhân của của một resort hoa lan vừa tổ chức livestream buổi đấu giá 1 kie lan mang tên Huyền Thoại Bướm Đại Ngàn có trong vườn nhà, và được trả giá 11,7 tỉ đồng.
Vậy
- Lan Phi Điệp Đột Biến Trắng là gì mà lại có sức hút đến như vậy?
- Các giao dịch Lan Phi Điệp Đột Biến Trắng có rủi ro như Hội chứng hoa Tulip không?
Lan Đột Biến là gì?
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), một trong những chuyên gia hàng đầu về hoa, cây cảnh ở Việt Nam:
Lan đột biến là một cá thể hay một dòng hoa lan trong quần thể phong lan tự nhiên, bất ngờ có sự biến đổi khác biệt về kiểu dáng (màu hoa, kích thước lá, độ dài đốt thân hoặc sự sắp xếp các cánh hoa trên cành…) so với các cây cùng loại.
Sự biến đổi bất ngờ ở sinh vật nói chung, trên cây hoa lan nói riêng, là hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển của các loài. Riêng sự biến đổi trên cây lan (dân dã vẫn gọi là lan đột biến) đã xảy ra từ lâu, nhưng vì trước đây ít người để ý, nên ít nhắc đến, bây giờ được quan tâm nhiều hơn, mọi người mới coi lan đột biến như một “hiện tượng”.
Lan đột biến đang giao dịch trên mạng, chỉ là một dạng biến dị sinh học, bị biến đổi bởi tác động của các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, hóa chất, hoặc thụ phấn qua ong và gió…).
Biến dị sinh học gồm 2 dạng: Biến dị di truyền được (đột biến) và biến dị không di truyền được (thường biến). Đa số các biến dị Đột biến đều có hại (làm suy thoái giống loài). Chỉ một số ít biến dị đột biến là có lợi cho chọn giống và tiến hóa của loài.
Các biến dị thường biến, sau nhân giống, cây con sẽ không giữ được các đặc điểm ngoại hình giống như bố/mẹ. Các biến dị đột biến nếu được nhân giống vô tính (nuôi cấy mô hoặc giâm/ghép đoạn cành) sẽ mang đầy đủ kiểu dáng và đặc tính vốn có của dòng bố/mẹ.
Lan đột biến có thực sự hiếm không?
Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa và cây cảnh thuộc Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, hai năm nay đã có thể nhân chồi các loại lan phi điệp bằng phương pháp nhân tạo với chi phí vô cùng rẻ.
Khi đưa vào nuôi cấy mô tế bào, chỉ trong vài tháng các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường HÀNG VẠN, HÀNG TRIỆU cây lan đột biến giống y chang kiểu dáng của các dòng hoa bố mẹ.
Như vậy, Lan phi điệp đột biến không hề hiếm như người ta đang đồn thổi.
Phóng sự tạo lan đột biến bằng nuôi cấy mô
Các thương vụ mua Lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo
Hầu hết các thương vụ mua và giao dịch lan Phi điệp trên Cộng đồng mạng hiện nay có rất nhiều đặc điểm mà chúng ta thường thấy ở các ĐẠI HỘI THÙ LAO của các mạng lưới đa cấp khi sử dụng những CỌC TIỀN MẶT để thanh toán.
Việc thực hiện thanh toán theo hình thức đặt cọc tiền ngay cạnh chậu Lan rõ ràng có gì đó không đúng. Cả người mua, và người bán không hề có ý định tập trung vào Giá trị của Lan đột biến, hay cảm nhận cá nhân, sự yêu thích của bản thân về Lan đột biến.
Điều mà cả người mua và người bán đang tập trung vào đó là GIẤC MƠ LÀM GIÀU NHANH TỪ LAN ĐỘT BIẾN.
Đặc điểm rất dễ thấy của các vụ mua bán lan đột biến gần đây là các cọc tiền bên cạnh các đại gia mặt đần.
Rất tương đồng với các hình thức lừa đảo đa cấp 4.0
Cách mua bán Lan đột biến rồi quay Live Stream lên Internet làm tôi liên tưởng tới các vụ mua bán các loại dược liệu, thuốc ở các di tích lịch sử.
Các đối tượng bán thuốc sử dụng thủ đoạn chung là đưa “cò mồi” đến giả người mua hoặc kể những câu chuyện về người thân mắc bệnh hiểm nghèo uống thuốc đã khỏi để tạo lòng tin. Thế nhưng thực chất lại là một chiêu trò lừa đảo để bán thuốc.
Và liệu rằng những cọc tiền, những khách hàng mua lan đột biến không thể xác định kia có là CÒ MỒI để dụ những kẻ muôn LÀM GIÀU NHANH vào bẫy hay không?
Một dấu hiệu nực cười khác khi mà người ta cho rằng Lan đột biến là hiếm, là quý đó là: Tại sao hiếm, quý nhưng nguồn cung dường như có thể cung cấp không giới hạn cho bất kỳ đơn hàng nào, với số lượng nào?
Lời Kết
Tôi chưa hề thấy những người quan tâm tới vẻ đẹp của tự nhiên, hoặc săn lùng những đồ quý hiếm theo gu riêng lại đem một cọc tiền to đùng theo người và đi mua một mặt hàng chứa đầy rủi ro như vậy.
Những người có gu, có tâm huyết tìm kiếm có vẻ như họ chỉ muốn giữ cho riêng họ và giữ kín tiếng thay vì phô trương và tự tạo rủi ro cho chính bản thân họ.
Đa phần những vụ khoe tiền, kết cục cuối cùng đều trở thành những kẻ lừa đảo có số.
Những ông trùm thực sự, họ đâu có ra mặt và xuất đầu lộ diện?
Mời các bạn cùng bàn luận trong phần comment!