Là người viết tiểu sử và một tín đồ của John Maynard Keynes, tôi thường được mọi người hỏi rằng: “Liệu Keynes sẽ nghĩ gì về lãi suất âm?”
Đó là một câu hỏi thú vị, gợi nhớ tới một đoạn trong tác phẩm “Lý thuyết tổng quát” (General Theory) của Keynes, trong đó ông chú thích rằng nếu chính phủ không thể nghĩ ra biện pháp nào hợp lý hơn để giải quyết tình trạng thất nghiệp (ví dụ như xây thêm nhà cửa), thì việc đút tiền vào chai rồi chôn xuống đất, xong lại đào lên vẫn tốt hơn là không làm gì cả. Ông có thể sẽ nói điều tương tự về lãi suất âm: một biện pháp tuyệt vọng của những chính phủ không thể nghĩ ra một giải pháp nào khác.
Lãi suất âm đơn giản là một nỗ lực vô ích kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp tiền tệ. Khi việc cắt giảm lãi suất đến mức thấp nhất trong lịch sử không thể vực dậy tăng trưởng, các ngân hàng trung ương đã tiến hành biện pháp gọi là nới lỏng định lượng: bơm thêm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua trái phiếu chính phủ dài hạn và các loại trái phiếu khác. Điều này cũng tạo ra một số hiệu ứng tốt, nhưng hầu hết những người bán trái phiếu ở đây chỉ ngồi trên đống tiền thay vì đem ra chi tiêu hoặc đầu tư.
Tiếp đó là chính sách điều chỉnh lãi suất xuống mức âm. Các ngân hàng trung ương của Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Nhật và khu vực đồng tiền chung Châu Âu đều đang đắm chìm trong đó. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang bị cám dỗ.
“Lãi suất âm” có vẻ như là một cụm từ được tạo ra để khiến tất cả hoang mang, trừ các chuyên gia. Thay vì trả lãi cho các khoản dự trữ “dư thừa” của các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương, ngân hàng trung ương sẽ áp thuế trên những khoản tiền gửi này. Ý tưởng này là nhằm thúc giục các ngân hàng giảm số dư chưa chi và tăng các khoản cho vay hoặc đầu tư của mình. Trường hợp Ngân hàng Trung ương Châu Âu là do một nguyên nhân kỹ thuật: để tăng nguồn cung trái phiếu cấp cao cho chương trình nới lỏng định lượng đang diễn ra của Chủ tịch Mario Draghi.
Chính sách này được cho là sẽ phát huy tác dụng thông qua việc điều chỉnh lãi suất của thị trường khớp với mức lợi nhuận kỳ vọng, một ý tưởng do nhà kinh tế học người Thụy Điển Knut Wicksell khởi xướng. Vấn đề là trong khi đến tận bây giờ người ta vẫn luôn tin rằng lãi suất danh nghĩa không thể xuống thấp hơn 0, nhưng mức lợi nhuận kỳ vọng của một khoản đầu tư mới có thể dễ dàng giảm bằng 0 hoặc thấp hơn nếu tổng cầu suy giảm.
Lãi suất âm là nỗ lực mới nhất nhằm khắc phục sự thiếu đồng bộ giữa các biện pháp khuyến khích đối với người cho vay và người đi vay. Khiến cho việc gửi tiền của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương trở nên đắt đỏ hơn sẽ có khả năng làm giảm chi phí của các khoản vay thương mại. Tính toán này cho rằng các ngân hàng thương mại sẽ thấy việc tung tiền ra lưu hành, dù là thông qua việc tạo ra các khoản cho vay hoặc mua chứng khoán chính phủ và các loại chứng khoán khác, là hợp lý hơn việc trả phí cho ngân hàng trung ương giữ tiền hộ.
Tuy nhiên, như Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, lãi suất âm có thể gây ra những tác động không mong muốn. Nó có thể làm hao mòn lợi nhuận của các ngân hàng thông qua việc thu hẹp biên độ lãi suất. Nó cũng có thể thúc đẩy các ngân hàng chấp nhận những rủi ro vượt mức, dẫn tới tình trạng bong bóng tài sản. Mức lãi suất thấp hơn cho tiền gửi có thể khiến nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế trở nên phụ thuộc vào tiền mặt (do họ không muốn gửi tiền vào ngân hàng), trong khi các công ty quản lý lương hưu và bảo hiểm có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các khoản nợ dài hạn ở mức lãi suất danh nghĩa cố định.
Tuy nhiên, ngoài những vấn đề trên, điều thực sự chống lại lãi suất âm là sự dại dột của việc chỉ dựa vào chính sách tiền tệ để giải cứu nền kinh tế khỏi tình trạng suy thoái. Keynes đã kết luận ngắn gọn: “Nếu chúng ta bị cám dỗ mà khẳng định rằng tiền là thức uống có thể kích thích hệ thống hoạt động, chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân rằng có thể sẽ có vài cú trượt trước khi thức uống này đến được với chiếc cốc.” Danh sách “những cú trượt” của ông rất đáng để xem xét lại:
“Dù việc cung tiền tăng có thể được kỳ vọng… giúp giảm mức lãi suất, điều này sẽ không xảy ra nếu mong muốn của công chúng trong việc nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản tăng nhanh hơn lượng tiền. Đồng thời trong khi lãi suất giảm có thể được kỳ vọng…làm tăng quy mô đầu tư, điều này sẽ không xảy ra nếu [những kỳ vọng về lợi nhuận] giảm nhanh hơn mức lãi suất. Và dù quy mô đầu tư tăng có thể được kỳ vọng… tạo thêm việc làm, điều này sẽ không xảy ra nếu xu hướng tiêu dùng sụt giảm.”
Những điều trên khá đúng. Các nhà kinh tế hiện đang bận nghĩ ra những chính sách tiền tệ thần kỳ khác phòng khi chính sách mới nhất thất bại: đánh thuế việc nắm giữ tiền mặt, hay thậm chí loại bỏ hoàn toàn tiền mặt; hoặc, trong một thái cực khác, nhấn chìm người dân bằng “tiền trực thăng” vừa mới in xong.
Tuy nhiên, cách duy nhất trên thực tế để đảm bảo “lượng tiền mới” được đưa vào lưu thông là thông qua chi tiêu chính phủ. Chính phủ sẽ vay tiền trực tiếp từ ngân hàng trung ương và sử dụng để xây dựng nhà cửa, cải tạo hệ thống giao thông, đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng, vv…
Điều đáng buồn là bất kỳ chính sách dùng tiền để trang trải cho các khoản thâm hụt ngân sách công nào như vậy hiện đều là điều cấm kỵ. Điều này vi phạm những quy định của Liên minh Châu Âu và vấp phải sự phản đối của tất cả những người nhìn nhận những khó khăn tài chính của các chính phủ thời kỳ hậu khủng hoảng là một cơ hội để thu hẹp vai trò của nhà nước.
Tuy nhiên, nếu đúng là chúng ta đang bước vào giai đoạn của “sự trì trệ kinh niên” và thất nghiệp gia tăng, như Larry Summers và nhiều người khác đã lập luận, thì việc nhà nước đóng vai trò nhà đầu tư lớn hơn chắc chắn là không thể tránh được. Những sự kiện diễn ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 rõ ràng đã cho thấy nếu chỉ dựa vào chính sách tiền tệ, các hoạt động kinh tế sẽ không thể phát huy tối đa tiềm năng. Nhà nước buộc phải tham gia.
Cho dù các khoản chi tiêu được thể hiện trên sổ sách của chính phủ trung ương hoặc trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đầu tư độc lập (tôi thích cách này hơn) thì cũng không quan trọng. Lãi suất âm chỉ đơn giản là một sự đánh lạc hướng khỏi việc phân tích sâu sắc hơn về những sai lầm đã xảy ra và những gì sẽ tiếp tục đi chệch hướng.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The False Promise of Negative Interest Rates