Thống đốc Haruhiko Kuroda của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố vào ngày 29/01/2016 rằng BoJ sẽ áp dụng mức lãi suất âm 0,1% cho các khoản tiền gửi mà các định chế tài chính gửi tại Ngân hàng này, bắt đầu từ ngày 16/02/2016 và duy trì cho đến hiện tại.
Bị tác động bất ngờ bởi động thái này, tỷ giá JPY-USD, vốn đã tăng lên mức cao 117-118 yên cho mỗi đô la Mỹ hồi đầu năm 2016, ngay lập tức suy yếu về mức 121 yên cho mỗi đô la Mỹ. Lợi tức Trái phiếu Chính phủ Nhật bản (JGB) kỳ hạn 10 năm, ở mức 0,22% vào ngày trước thời điểm công bố, đã giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử 0,06%. Lợi tức của các trái phiếu ngắn hạn dưới 8 năm rơi xuống mức âm. Rõ ràng tác động đối với thị trường là rất đáng kể.
Lưu ý rằng: JPY mạnh lên tức là 01 USD sẽ mua được ít JPY hơn (117-118 JPY đổi 01 USD) và JPY yếu đi tức là 01 USD sẽ mua đươc nhiều JPY hơn (121 JPY đổi 01 USD).
Lãi suất âm có nghĩa là người cho vay phải trả thay vì được nhận lãi suất. Điều này gây băn khoăn cho một người thuộc thời đại cũ như tôi, vì tôi đã được dạy rằng lãi suất danh nghĩa không thể âm. Một logic đơn giản đằng sau mệnh đề này là nếu lãi suất âm thì những người cho vay sẽ giữ tiền mặt thay vì cho vay, điều sẽ đem lại cho họ mức lãi suất danh nghĩa 0%. Khi không có người cho vay, lãi suất không thể dưới không. Nhưng, các định chế tài chính lại không rút tiền gửi của họ tại BoJ vì biện pháp mới của BoJ bao gồm một cơ chế sẽ gây bất lợi cho việc rút tiền mặt. Do đó, nếu các định chế tài chính muốn tránh lãi suất âm cho tiền gửi, họ cần phải sử dụng chúng bằng cách cho khách hàng vay hoặc mua các tài sản từ thị trường. Khiến họ phải hành động như vậy là một trong những ý định của chính sách mới này.
Một mục đích khác [của chính sách mới] là để đẩy lãi suất thị trường xuống. Nhưng tại sao lại để lợi tức trái phiếu chính phủ bị âm? Bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể kiếm được lợi nhuận tốt hơn bằng cách giữ tiền mặt thay vì mua trái phiếu ở mức lợi tức âm. Chính vì điều này mà người ta có thể nghĩ rằng sẽ không có ai sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ ở mức lợi tức dưới không, và do đó lợi tức không thể giảm xuống dưới không. Vì vậy, có vẻ như một khi lãi suất thị trường về mức gần bằng không, BoJ không thể đẩy chúng xuống thấp hơn nữa. Để hiểu xem tại sao logic này lại không diễn ra, chúng ta cần phải xem xét những động thái mà BoJ đã thực hiện trong vòng ba năm qua.
Một thời gian ngắn sau khi Kuroda nhậm chức vào hồi tháng 3/2013, BoJ đã bắt đầu chiến lược ‘Nới lỏng tiền tệ Định lượng và Định tính’ (Quantitative and Qualitative Monetary Easing – QQE) của mình. Một trong những nội dung quan trọng của chiến lược QQE là việc mua vào với quy mô lớn các trái phiếu chính phủ và các tài sản khác, nhằm tăng gấp đôi quy mô bảng cân đối tài sản của BoJ trong vòng hai năm. Sau khi đã đạt được điều này, BoJ tiếp tục duy trì việc mua tài sản. Tốc độ hiện tại của nó là 80 nghìn tỷ yên (khoảng 679 tỷ USD) mỗi năm. Việc mua tài sản với khối lượng lớn và liên tục như vậy đã đẩy lợi tức của trái phiếu chính phủ xuống, và kể từ tháng 09/2014, BoJ đã mua trái phiếu tại các mức lãi suất âm nhằm đạt được mục tiêu định lượng.
Nếu BoJ sẵn sàng để làm điều này, thì những người tham gia thị trường tài chính cũng vậy, bởi vì họ biết rằng họ có thể chuyển giao các tài sản họ đã mua vào sang cho BoJ với các mức lãi suất thậm chí còn thấp hơn (có nghĩa là, với giá thậm chí còn cao hơn mức giá họ đã trả để mua chúng). Lãi suất âm bắt đầu từ các trái phiếu kỳ hạn ngắn trong năm 2014, và vào tháng 12 năm ngoái, lãi suất dưới không đã chạm đến các trái phiếu kỳ hạn ba năm. Hành động gần đây của BoJ đã mở rộng đáng kể phạm vi (các trái phiếu) được áp dụng lãi suất dưới không, bởi vì BoJ muốn báo hiệu cho thị trường về quyết định muốn đẩy lãi suất vốn đã ở mức siêu thấp xuống mức thậm chí còn thấp hơn thông qua các nghiệp vụ thị trường của mình.
Thực tế rằng hành động chính sách của BoJ thời điểm này không dựa trên định lượng mà dựa trên giá là một minh chứng cho sự thất bại của chính sách QQE trong việc đạt được mục tiêu đã đề ra: tỷ lệ lạm phát 2% trong vòng hai năm. Gần ba năm đã trôi qua kể từ khi QQE được bắt đầu, nhưng lạm phát hầu như không đạt được mức dương trong những tháng gần đây. Điều đã được chứng minh một cách đầy đủ là việc bơm thanh khoản quy mô lớn không làm gia tăng đáng kể nhu cầu hoặc thúc đẩy mạnh mẽ lạm phát. Điều này cũng đúng đối với gói kích thích định lượng lần đầu tiên được sử dụng bởi BoJ trong những năm 2000, đã luôn luôn đúng tại Hoa Kỳ và cũng có khả năng là sẽ đúng trong khu vực đồng Euro. Do đó, việc thay đổi chiến thuật của BoJ là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, câu hỏi chính là: Liệu lãi suất âm đối với các khoản tiền gửi của BoJ có hiệu quả trong việc tạo đà lạm phát không? Như đã nói ở trên, nó đã có một tác động đáng kể tới thị trường tài chính. Nhưng QQE cũng vậy, theo đó đồng yên đã yếu đi một cách đáng kể và lãi suất thị trường đã giảm, một số giảm xuống dưới không. Tuy nhiên, những tác động tài chính này đã không chuyển thành các hiệu ứng ‘thực’ đủ lớn đối với nền kinh tế. Vẫn còn quá sớm để nói, nhưng người ta không thể quá lạc quan về việc lần này kết quả có thể sẽ khác.
Một góc độ khác để đánh giá hành động gần đây của BoJ là phạm vi của việc nới lỏng. Thống đốc Kuroda đã công khai tuyên bố rằng không có giới hạn trong việc BoJ nới lỏng chính sách tiền tệ, bất chấp sự thiếu hụt ngày càng dễ nhìn thấy trong khối lượng tài sản mà BoJ có thể mua từ thị trường theo chiến lược QQE. Bằng cách chuyển sang một biện pháp ‘dựa trên giá’, BoJ có thể tiếp tục chiến lược nới lỏng của mình, dấn sâu hơn với lãi suất âm nếu cần thiết. Sau đó, lạm phát cuối cùng có thể được kích thích.
BoJ dưới thời của Thống đốc Kuroda nên được ghi nhận (công lao) do đã can đảm phá vỡ một điều cấm kỵ và đưa ra các mức lãi suất âm, đầu tiên là thông qua các nghiệp vụ thị trường và bây giờ là với các khoản tiền gửi của mình. Nhưng chính sách này làm cho nhiều người, bao gồm cả bản thân tôi, cảm thấy không thoải mái. Các nghiệp vụ thị trường với lãi suất âm có nghĩa là người cho vay (BoJ) đang đưa tiền cho người vay một cách miễn phí bên cạnh các khoản vay không lãi suất. Những người vay này không phải là những người nghèo nhất trong dân số, mà là các định chế tài chính nổi tiếng, những người không nên dựa vào những món quà như vậy để kiếm lợi nhuận cho bản thân họ.
Rõ ràng, có những cách tốt hơn để sử dụng tiền công. Nhưng điều này là trách nhiệm của chính phủ chứ không phải [trách nhiệm] của ngân hàng trung ương. Để phục hồi năng lực của nền kinh tế Nhật Bản và đảm bảo tính bền vững của nó, chính phủ có thể làm nhiều điều, một vài trong số đó thậm chí không đòi hỏi phải nới rộng ngân sách. Dường như BoJ đã bị đẩy đi quá giới hạn của mình, cố gắng để đạt được điều vốn có thể đạt được một cách phù hợp và hiệu quả hơn thông qua các phương tiện khác.
Masahiko Takeda là giáo sư tại Trường Chính sách Công và Quốc tế, Đại học Hitotsubashi.
Nguồn: Masahiko Takeda, “The Bank of Japan’s sub-zero shock”, East Asia Forum, 08/02/2016.