Reward:Risk ratio (R:R) là chỉ số ít được nhà đầu tư mới biết đến hoặc áp dụng trong giao dịch để quản trị rủi ro.
R:R thực tế được áp dụng rộng rãi không chỉ riêng đối với giao dịch ngoại hối, mà trong hầu hết lĩnh vực của cuộc sống khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Hiểu một cách đơn giản thì R:R là tỷ lệ cho biết khi nào một khoản đầu tư sẽ hoà vốn và bắt đầu có lợi nhuận.
Ví dụ: Nếu R:R = 3:1 nghĩa là bạn chấp nhận mất 1đ để kiếm được 3đ. Nhưng tỷ lệ 3:1 cho biết là với 3đ kiếm được đó bạn mới chỉ ở ngưỡng hoà vốn mà thôi.
Trong nội dung bài học này, Tô sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu về Reward to Risk Ratio và tính toán để giúp bạn quản trị rủi ro tốt hơn.
1. Cách tính R:R tối ưu dựa trên tỷ lệ thắng
Một cách phổ biến và cực kỳ đơn giản để rính R:R chính xác là dựa trên tỷ lệ Win trong lịch sử giao dịch của bạn.
Để xem tỷ lệ Win – Loss bạn có thể dùng Forex Factory hoặc trích xuất Lịch sử giao dịch theo hướng dẫn ở đây.
Công thức tính Reward to risk ratio theo tỷ lệ Win như sau:
Required risk ratio = (1 / win rate) – 1
Bài toán minh hoạ:
Giả định tỷ lệ Win là 45% và Loss là 55% vậy chúng ta sẽ có:
Risk ratio = (1/0,45) – 1 = 1.22
Như vậy R:R là 1:1.22 hoặc 1.22:1
Ý nghĩa của con số này là để đạt điểm hoà vốn, bạn cần phải có tỷ lệ R:R = 1:1.22 nếu vượt ngưỡng này bạn sẽ bắt đầu có lợi nhuận.
Ở chiều ngược lại, nếu bạn quy định một tỷ lệ R:R cho từng giao dịch, thì bạn có thể đưa ra một công thức tính toán tỷ lệ Win tối thiểu để hoà vốn như sau:
Minimum win rate = 1 / (1+ risk ratio)
Bài toán minh hoạ:
Giả định Tôi muốn mỗi giao dịch có tỷ lệ R:R là 1:1,5
Minimum win rate = 1/(1+risk ratio) = 1/(1+1,5) = 0,4 = 40%
Đơn giản phải không nào!?
Đây chính là bí quyết đơn giản để quản trị rủi ro, từ đó cũng giúp bạn cải thiện tâm lý giao dịch.
Tại sao tỷ lệ này lại giúp cải thiện tâm lý giao dịch!?
Bởi vì trước khi biết đến nó bạn không biết liệu với tỷ lệ win hiện tại có giúp bạn có lời hay không. Các tính toán chi tiết này giúp bạn tường minh và trả lời những thứ vẫn còn chưa rõ trong giao dịch.
2. Cách ứng dụng tỷ lệ R:R
Vấn đề tiếp theo khi áp dụng R:R trong giao dịch đó là liệu có nên áp dụng cứng ngắc một tỷ lệ cho tất cả các thị trường hay không!?
Câu trả lời là: KHÔNG!
Nếu bạn theo dõi các buổi Live trên Youtube Tô Triều bạn sẽ thấy Tô có một File Excel để quản lý và tính toán các tỷ lệ R:R cho từng giao dịch.

Quan điểm của Tô khi sử dụng tỷ lệ R:R này đó là:
- Không bị áp lực về tỷ lệ Win: Với cách tính toán hiện tại, tỷ lệ R:R giúp Tô hiểu rằng trong giao dịch đôi khi chỉ cần tỷ lệ Win thấp nhưng kết quả cuối cùng vẫn có lợi nhuận.
- Biết điểm hoà vốn: Tỷ lệ R:R rõ ràng cho chúng ta biết được tỷ lệ hoà vốn là bao nhiêu và buộc chúng ta phải đạt được ngưỡng đó hoặc phải tăng tỷ lệ Win.
- Ứng dụng linh hoạt trong cuộc sống: Tỷ lệ này cũng có thể được ứng dụng trong các kế hoạch kinh doanh, đầu tư trong cuộc sống để biết liệu chúng ta có lời khi làm việc với nguyên tắc này hay không.
3. Áp dụng R:R cho hai hình thái thị trường
Từ cách áp dụng phía trên, Tô cho rằng không nên gò ép bản thân vào một tỷ lệ Reward-to-Risk duy nhất cho mọi giao dịch.
Có hai hình thái thị trường mà Tô dựa vào Bối cảnh thị trường để xác định tỷ lệ R:R phù hợp với nguyên tắc nếu R:R vượt ngưỡng thì có thể tham gia giao dịch. Nếu R:R nhỏ hơn hoặc rủi ro cao hơn thì loại bỏ giao dịch đó dù tín hiệu phù hợp hệ thống giao dịch.
R:R khi giao dịch theo xu hướng:
Chọn mức R:R cao hơn mức tối thiểu 1,5 – 2 lần ở ngưỡng đầu tiên.
Ví dụ:
Nếu đang là xu hướng tăng và giao dịch là mua trong khi R:R tối thiểu là 1:1.22 thì vùng chốt lời đầu tiên có thể đặt ở ngưỡng 1,22 x 2 = 2,44 lần.
Giả định chúng ta đang giao dịch với Entry Buy 1.1169 và Stop Loss ở ngưỡng 1.1100 thì vùng chốt lời được tính như sau:
Take Profit = 1.1169 + 2,44 x (1.1169 – 1.1100) = 1,1337
Đối với các vùng chốt lời tiếp theo, bạn có thể dùng Fibonacci Extension để tính toán dựa trên các mức Fibo mở rộng.
Hãy nhớ rằng:
- Trong xu hướng tăng, thị trường có xác suất phá đỉnh liên tục và hỗ trợ có độ chính xác rất cao. Vì vậy khi chọn điểm chốt lời cho lệnh Buy, đừng ngại mà đặt vùng chốt lời vượt đỉnh.
- Trong xu hướng giảm, thị trường có xác suất phá đáy liên tục và Kháng cự có độ chính xác rất cao. Vì vậy khi chọn điểm chốt lời cho lệnh Sell, đừng ngại mà đặt vùng chốt lời thủng đáy.
R:R khi giao dịch theo điều chỉnh xu hướng
Vì khi thị trường điều chỉnh, sẽ khó có thể biến động mạnh hoặc xa tới ngưỡng đảo chiều xu hướng nên khi chọn R:R bạn cũng phải chú ý không quá kỳ vọng hão huyền. Trừ khi loại tài sản đó đang trong chu kỳ biến động mạnh mỗi ngày 500 – 1000 pips như Gold (Tháng 4-2025).
Tỷ lệ R:R nên lựa chọn tối đa so với tỷ lệ thực tế của tài khoản là khoảng 1,5 lần – 2,5 lần.
Ví dụ:
Nếu đang giao dịch theo đợt điều chỉnh giảm của xu hướng tăng (Lệnh Sell) và tỷ lệ R:R là 1.22 thì các mức chốt lời như sau:
Chốt lời tối thiểu = 1,22 x 1,5 = 1,83 lần.
Chốt lời tối đa = 1,22 x 2,5 = 3,05 lần.
Đưa vào bài toán cụ thể để tính toán ra vùng chốt lời của Lệnh Sell với Entry 1.1369, Stop Loss tại 1.1396 chúng ta có:
Chốt lời tối thiểu = 1,1369 – 1,83 x (1,1396 – 1,1369) = 1,13195
Chốt lời tối đa = 1,1369 – 3,05 x (1,1396 – 1,1369) = 1,1286
4. Sử dụng R:R động (Dời SL)
Thiết lập điểm chốt lời và cắt lỗ linh hoạt trong suốt thời gian diễn ra giao dịch.
Khi giá di chuyển có lợi, hãy dời dần mức cắt lỗ về hòa vốn (Break-even), rồi từng bước tiếp tục di chuyển nó để bảo vệ lợi nhuận.
Điều này giúp cải thiện tỷ lệ R:R thực tế và giảm thiểu rủi ro khi giao dịch đi đúng hướng ban đầu nhưng không chạm mức take-profit.
Ví dụ:
Ban đầu bạn thiết lập giao dịch với R:R là 2:1 (SL 30 pip, TP 60 pip). Khi giá đi đúng 30 pip, bạn dời stoploss về Entry. Khi giá đạt 40 pip, bạn nâng stoploss lên 20 pip lợi nhuận đã có.
Xem hướng dẫn cách Quản lý giao dịch Forex để biết phương pháp dùng R:R động này thực tế sẽ như thế nào.
Ngoài ra, nếu bạn có một VPS Forex có thể thiết lập Trailing Stop bằng khoảng cách Stop Loss.
5. Quản trị rủi ro dựa trên mức thua lỗ tối đa mỗi giao dịch
Không bao giờ mạo hiểm quá mức rủi ro quy định. Dù tỷ lệ R:R hấp dẫn đến đâu, cũng không bao giờ vượt quá mức rủi ro quy định (thường là từ 1% – 2% mỗi giao dịch).
Ví dụ:
Vốn giao dịch $10,000, rủi ro mỗi giao dịch là 2% ($200).
Dù bạn có thiết lập R:R 5:1, bạn cũng chỉ được phép đặt stoploss khiến bạn mất tối đa là $200.
Điều này có nghĩa là bạn phải điều chỉnh số Pips thua lỗ hoặc Khối lượng giao dịch để phù hợp với số tiền thua lỗ và tỷ lệ R:R.
6. Áp dụng quy tắc 3 lần thua liên tiếp
Nếu bạn có 3 lần giao dịch thất bại liên tiếp, hãy tạm ngưng giao dịch và xem xét lại chiến lược hoặc điều chỉnh lại tỷ lệ R:R.
Việc tạm dừng giúp bảo vệ vốn và tránh rơi vào trạng thái “giao dịch trả thù” (revenge trading).
Có thể cân nhắc giảm tỷ lệ R:R xuống một chút hoặc kiểm tra lại các thiết lập vào lệnh.
Tô cũng từng chia sẻ rất kỹ về quá trình quản lý Chu kỳ thua lỗ trong một Webinar và bài viết mà bạn có thể xem lại tại đây.
7. Kết hợp R:R với biến động trung bình (ATR)
Tô nhận được nhiều câu hỏi tại sao trong các bảng thông số kỹ thuật luôn có chỉ số ATR bao gồm giá trị chi tiết!?
Vì ATR được Tô dùng như một công cụ để đo lường Biên độ thị trường và trong một số trường hợp giúp Tô tính toán ngay lập tức một vùng chốt lời hợp lý.
Thông thường Tô sẽ đặt Stop Loss bằng 1 ATR khung Daily nhưng Take Profit sẽ là 1 ATR khung Weekly nếu ATR khung Weekly >= 2 x ATR Daily.
Điều này có nghĩa là bạn có thể xác định R:R dựa trên ATR – Khoảng dao động trung bình thực tế:
Nếu giá của loại tài sản biến động hết biên độ một ngày thì chấp nhận kết thúc giao dịch và chờ đợi. Có nghĩa là so với mức giá mở cửa, thị giá đang Tăng hoặc Giảm một khoảng bằng đúng ATR.
Như vậy, lúc này ATR chính là khoảng cắt lỗ (Risk) và Tỷ lệ Risk:Reward sẽ được tính bằng ATR x Reward ratio.
Ví dụ: ATR(14) cặp EUR/USD = 0,0072 (72 pips) và Risk:Reward của bạn là 1,22 và bạn đang giao dịch theo xu hướng tăng.
Vậy điểm Take Profit kỳ vọng đầu tiên theo xu hướng là:
Take Profit 1 = ATR x (1,22 x 2) = 0,0072 x 2,44 = 0,0175 (175 pips)
9. Lời kết
Quản trị rủi ro không chỉ là tính toán mà còn là tâm lý:
- Luôn nhớ rằng tỷ lệ R:R chỉ hiệu quả nếu bạn giữ được kỷ luật và tránh xa cảm xúc.
- Tránh thay đổi điểm dừng lỗ theo hướng bất lợi, kể cả khi giá gần chạm SL.
Tóm lại:
Quản trị rủi ro hiệu quả dựa trên Reward-to-Risk không phải là việc bạn phải tìm một tỷ lệ “hoàn hảo”, mà là sự kết hợp giữa xác suất thắng, điều kiện thị trường, quản trị vốn và tâm lý giao dịch. Hãy thử nghiệm, ghi chép và điều chỉnh dần dần cho tới khi bạn tìm được phương pháp phù hợp nhất cho riêng mình.
Như George Soros từng nói:
“Quan trọng không phải bạn đúng hay sai, mà là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai.”