Mô Hình Nến Marubozu (Nến không bấc – Không râu) là tên của một mẫu hình nến Nhật Bản được sử dụng trong phân tích kỹ thuật trên thị trường chứng khoán – ngoại hối – hàng hóa tương lai rất thông dụng.
Mô hình nến Marubozu được ứng dụng tương đối rộng rãi và cách để nhận dạng nến Marubozu cũng rất dễ dàng. Tuy nhiên, Tôi chưa thấy bài viết nào được xuất bản tại Việt Nam đề cập chi tiết, cụ thể về cách nhận dạng và ứng dụng nến Marubozu trong giao dịch một cách hoàn chỉnh.
Bài viết này, Tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về Nến Marubozu, cách nhận dạng ba hình thái nến Marubozu, Ứng dụng trong giao dịch.
1. Nến Marubozu là gì?
Mô hình Nến Marubozu (Nến không bấc) là tên của một mẫu hình nến Nhật Bản được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để chỉ ra một mã chứng khoán, một cặp tiền tệ, một loại hàng hóa đã được giao dịch mạnh theo một hướng trong suốt phiên và đóng cửa ở mức giá cao nhất (nếu giá mở cửa là thấp nhất) hay ở mức giá thấp nhất (nếu giá mở cửa là cao nhất) trong phiên giao dịch.
2. Nhận dạng và đo lường
Đặc điểm nhận dạng chung của nến Marubozu rất dễ:
- Là mô hình nến đơn
- Không có râu nến trên và dưới (Không có bấc) hoặc nếu có thì rất – rất nhỏ
- Thân nến rất lớn, bằng hoặc thậm chí lớn hơn thân nến của 10-15 nến trước nó.
Đo lường nến Marubozu:
Ở đặc điểm nhận dạng thứ ba: Thân nến rất lớn có vẻ nhưng rất định tính.
Để đo lường và định lượng, xác định đó chính xác là nến Marubozu, bạn có thể sử dụng chỉ báo ATR với chu kỳ 14. Nếu khoảng cách giá từ Open tới Close bằng hoặc lớn hơn ATR thì đó là một nến đáng tin cậy.
Nến Marubozu được chia làm ba hình thái khác nhau mà chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn ở phần dưới.
3. Ý Nghĩa Nến Marubozu
Có hai loại nến Marubozu là Bullish Marubozu và Bearish Marubozu.
Nến Bullish Marubozu (Nến Marubozu tăng giá) cho thấy người mua đã kiểm soát giá của chứng khoán, tiền tệ, hoặc hàng hóa từ khi mở cửa cho đến khi đóng cửa, và được xem là giá tăng (bullish).
Nến Bearish Marubozu (Nến Marubozu giảm giá) có một thân màu đen dài và được hình thành khi giá mở cửa bằng giá cao nhất và giá đóng cửa bằng giá thấp nhất. Một nến đen không bấc chỉ ra rằng người bán đã kiểm soát giá cả từ khi mở cửa cho đến khi đóng cửa, và được xem là giá xuống (bearish).
4. Các hình thái nến Marubozu
Nến Marubozu được chia làm hai nhóm là Bullish (nến tăng) và Bearish (nến giảm). Trong hai nhóm này, mỗi nhóm sẽ có thêm 3 hình thái nhận dạng khác nhau nhưng về cơ bản thì rất tương đồng.
4.1. Bullish Marubozu
Nến Bullish Marubozu có đặc điểm:
- Là mô hình nến đơn
- Là nến tăng giá với Thân nến rất lớn
- Không có râu nến, hoặc nếu có thì không đáng kể
Đây là dạng cực đoan nhất của nến Marubozu vì trong suốt chu kỳ tăng, phe Bull gần như không cho phe Bear một cơ hội nào để tham gia thị trường.
Có thể hiểu rằng phe Bear bị tàn sát mạnh mẽ nếu quyết định cản đường phe Bull ở trong hình thái nến này.
Cho tới khi đóng nến, phe Bear vẫn không thể tìm được cơ hội để tham gia thị trường.
4.2. Closing Bullish Marubozu
Nến Closing Bullish Marubozu có đặc điểm:
- Là mô hình nến đơn
- Là nến tăng giá với thân nến rất lớn
- Có râu nến dưới nhưng không đáng kể, gần như không có râu nến trên.
Đây là mẫu nến Marubozu ít cực đoan hơn nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm. Phe Bear sau khi cố đẩy giá xuống thấp hơn thì bị phản công và phe Bull tham gia thị trường rất mạnh cho tới khi đóng nến.
Nến Closing Marubozu không có râu nến trên vì giá đóng cửa bằng luôn giá cao nhất trong ngày.
4.3. Opening Bullish Marubozu
Nến Opening Bullish Marubozu có đặc điểm nhận dạng:
- Là mô hình nến đơn
- Là nến tăng giá với thân nến rất lớn
- Không có râu nến dưới, có râu nến trên nhưng không đáng kể.
Opening Bullish Marubozu là mẫu hình nến cho thấy ngay khi mở cửa phe Bull đã liên tục đánh lên cho tới cuối ngày, phe Bear bắt đầu có xu hướng bắt đỉnh và cố gắng đẩy giá xuống nhưng không đáng kể.
Nến Marubozu không có râu nến dưới vì giá thấp nhất trong ngày bằng luôn giá mở cửa và râu nến trên rất nhỏ vì hiệu ứng bắt đỉnh.
4.4. Bearish Marubozu
Giống như Bullish Marubozu, Bearish Marubozu có đặc điểm nhận dạng:
- Là mô hình nến đơn
- Là nến giảm giá với Thân nến rất lớn
- Không có râu nến, hoặc nếu có thì không đáng kể
Đây là dạng cực đoan nhất của nến Marubozu vì trong suốt chu kỳ giảm, phe bear chiếm lĩnh thị trường và không cho phe Bull cơ hội.
Phe Bull nếu có tham gia giao dịch trong suốt quá trình nến mở sẽ không khác gì tự sát.
Cho tới khi đóng nến, phe bull vẫn không thể tìm được cơ hội để tham gia thị trường.
4.5. Closing Bearish Marubozu
Nến Closing Bearish Marubozu có đặc điểm:
- Là mô hình nến đơn
- Là nến giảm giá với thân nến rất lớn
- Có râu nến trên nhưng không đáng kể, gần như không có râu nến dưới.
Đây là mẫu nến Marubozu ít cực đoan hơn nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm. Phe ull sau khi cố đẩy giá lên cao hơn thì bị phản công và phe Bear tham gia thị trường rất mãnh liệt cho tới khi đóng nến.
Nến Closing Bearish Marubozu không có râu nến dưới vì giá đóng cửa bằng luôn giá thấp nhất trong ngày.
4.6. Opening Bearish Marubozu
Nến Opening Bearish Marubozu có đặc điểm nhận dạng:
- Là mô hình nến đơn
- Là nến tăng giá với thân nến rất lớn
- Không có râu nến trên, có râu nến dưới nhưng không đáng kể.
Opening Beairhs Marubozu là mẫu hình nến cho thấy ngay khi mở cửa phe Bear đã liên tục đánh xuống cho tới cuối ngày, phe Bull bắt đầu có xu hướng bắt đáy và cố gắng đẩy giá lên nhưng không đáng kể.
Hình thái này không có râu nến trên vì giá cao nhất trong ngày bằng luôn giá mở cửa và râu nến dưới rất nhỏ vì hiệu ứng bắt đáy.
5. Ứng dụng nến Marubozu trong giao dịch
Nến Marubozu ngay khi được phát hiện, nhà đầu tư nến trích xuất ra các giá trị Open – High – Low – Close để theo dõi vì các vùng giá này sẽ trở thành hỗ trợ hoặc kháng cự trong tương lai.
Ba giá trị quan trong cần theo dõi:
- Giá mở nến – Open Price
- Giá đóng nến – Close Price
- Giá 1/2 Body
5.1. Nến Marubozu và mô hình giá tiếp diễn
Đây là ứng dụng trong ngắn hạn dễ phát hiện nhất của nến Marubozu bạn có thể quan sát hai ví dụ dưới đây:
Biểu đồ Giá Vàng – XAUUSD phía bên trái với nến Bearish Marubozu:
Đầu tiên, chúng ta thấy nến Bearish Marubozu rất lớn xuất hiện, đạt đầy đủ các điều kiện nhận dạng.
Ngay sau khi nến Bearish Marubozu xuất hiện, Vàng bắt đầu tích lũy và xuất hiện dạng mô hình Falling Three Methods (Mô hình ba bước tiếp diễn giá giảm).
Tỷ giá quay về kiểm tra vùng 50% Body nến Marubozu tại 2042.55 sau đó sụt giảm rất mạnh.
Biểu đồ EURUSD phía bên phải với Bullish Marubozu:
Đầu tiên, Mô hình Bullish Marubozu xuất hiện với Body nến rất lớn, đạt đủ điều kiện nhận dạng.
Hai nến Marubozu xuất hiện và đều hình thành dạng Mô hình Three Rising Methods (Mô hình ba bước tiếp diễn giá tăng)
Trong nến thứ hai, Mô hình ba bước tiếp diễn quay trở về kiểm tra vùng giá 50% Body của nến Bullish Marubozu trước đó tại 1.1581 và tiếp diễn xu hướng tăng mạnh.
Dưới đây là một ví dụ khác khi giá Open và giá Close của nến Marubozu bị kiểm tra và được coi như là kháng cự trên biểu đồ của mã chứng khoán VIC (Tập đoàn Vingroup)
Các bạn có thể thấy, hai nến Bearish Marubozu không có một tí râu nến nào.
Nến thứ nhất: Giá Open bị kiểm tra và từ chối giá rất mạnh. Sau đó tạo thành mô hình Falling Three Methods để tiếp tục giảm.
Nến thứ 2: Giá Close bị kiểm tra liên tục và không thể bị phá vỡ. Phe Bull mặc dù sau đó liên tục cố gắng mua lên nhưng cuối cùng thất bại trong việc phá vỡ vùng giá 116.00đ/cp và bỏ cuộc.
Sau cú này, giá cổ phiếu VIC sụt giảm mất gần một nửa giá trị về mức 68.000đ/cp.
5.2. Nến Marubozu xác định Clear Breakout
Tôi rất khoái một cú breakout các vùng tích lũy, hoặc Breakout hỗ trợ – kháng cự mà tín hiệu nến Breakout là một nến Marubozu như thế này:
Phía bên trên là biểu đồ kỹ thuật của giá cổ phiếu AMZN của ông lớn Amazon. Chúng ta có một vùng tích lũy với kháng cự rất mạnh.
Sau thời gian tích lũy kéo dài từ tháng 08 năm 2019 tới cuối tháng 01 năm 2020 thì mã chứng khoán này xuất hiện tín hiệu Breakout rất rõ ràng bằng một nến Marubozu cực kỳ mạnh.
Vùng kháng cự trước đó trở thành vùng hỗ trợ và cổ phiếu Amazon đã có cú phi mã gần $400/cp lên mức $2180/cp.
Tất nhiên là bạn nên kết hợp với các tín hiệu để xác định Breakout hiệu quả. Không chỉ sử dụng nến Marubozu như là tín hiệu duy nhất. Nếu không hội tụ đủ điều kiện, Marubozu sẽ là tín hiệu giả mạo và cho anh em “MỘT CÚ LỪA” rất lớn.
5.3. Nến Marubozu và Hỗ trợ – Kháng cự
Ở các vùng hỗ trợ – Kháng cự quan trọng, nếu xuất hiện nến Marubozu thì có khả năng, các vùng giá của Marubozu sẽ giúp bạn xác định rất chính xác các vùng giá hỗ trợ và kháng cự tiềm năng.
Hỗ trợ bởi Bullish Marubozu:
Phía trên là minh họa biểu đồ giá cổ phiếu TSLA của công ty Tesla.
Nến Bullish Marubozu đầu tiên xuất hiện vào tháng 04 năm 2018 và ngay sau đó, giá Open của nến trở thành Hỗ trợ mạnh trong tương lai.
Ở hai lần quay về kiểm tra giá Open của Bullish Marubozu vào tháng 09 năm 2018 và tháng 11 năm 2018, phe bán khống mã TSLA không thể phá vỡ được vùng giá $250/cp.
Có lẽ TSLA là mã cổ phiểu bị bán khống nhiều nhất trong lịch sử chứng khoán Hoa Kỳ. Và nó cũng là nguồn cơn của nhiều đau khổ nhất.
Kháng cự bởi Bearish Marubozu:
Ngược một chút, thì Bearish Marubozu khi xuất hiện ở vùng kháng cự, các vùng giá của Marubozu trở nên hiệu quả và lợi hại vô cùng.
Hình minh họa là biểu đồ mã VIC của Tập đoàn Vingroup. Vùng giá 111.600đ/cp là một vùng giá quan trọng, và là vùng mở nến của nến Closing Bearish Marubozu vào tháng 04 năm 2018.
Sau đó, vùng giá này đã trở thành vùng kháng cự liên tục ở hai lần sau đó. VIC ngay khi chạm vùng giá này đều bị chốt lời và sụt giảm khoảng 30% giá trị.
5.4. Nến Marubozu và các đường xu hướng
Biểu đồ GBPAUD cho chúng ta thấy hai mô hình nến Marubozu xuất hiện ở đây.
Bắt đầu xu hướng là một nến Opening Bullish Marubozu.
Ở lần thứ năm kiểm tra đường xu hướng tăng, Một nến Closing Bullish Marubozu cực lớn xuất hiện và ngay sau đó là cú đột phá vô cùng mạnh mẽ.
5.5. Nến Marubozu và các đường trung bình động
Nến Marubozu có cũng cung cấp một tín hiệu xác nhận mạnh mẽ cho thấy các đường Trung bình động có thể trở thành Hỗ trợ động hoặc kháng cự động trong suốt xu hướng.
Minh họa phía trên là biểu đồ 4 giờ của cặp EURUSD với đường trung bình động hàm mũ chu kỳ 20 (EMA20).
Trong suốt xu hướng tăng của cặp tiền tệ này, các nến Marubozu liên tục xuất hiện tại EMA20 để xác nhận EMA20 được coi là Hỗ trợ động của xu hướng và sau đó tỷ giá liên tục phục tăng rất mạnh.
Biểu đồ trên bạn cũng thất rất rõ sự xuất hiện của Rising Three Methods xuất hiện liên tục ngay sau các nến Marubozu.
5.6. Nến Marubozu và Fibonacci Retracement
Ứng dụng cuối cùng của Mô hình nến Marubozu trong giao dịch ngoại hối, chứng khoán mà Tôi muốn đề cập với bạn đó là kết hợp với Fibonacci Retracement.
Hinh minh họa trên cặp AUDUSD cho bạn thấy rõ nét về xu hướng tiếp theo của tỷ giá khi xuất hiện Mô hình nến Marubozu ngay tại vùng Fibonacci Retracement 38.2%.
Ngay sau đó, tỷ giá đã liên tục phục hồi và chạm luôn Fibonacci Extension 127.2% rồi mới đảo chiều xu hướng.
6. Tổng Kết
Trong bài viết này, Tôi và bạn đã cùng nhau tìm hiểu các vấn đề:
- Marubozu là gì?
- Nhận dạng Marubozu và định lượng nó
- 6 hình thái Marubozu trên biểu đồ kỹ thuật
- 6 ứng dụng của Nến Marubozu trong giao dịch
Với các kiến thức này, Tôi mong nó sẽ giúp bạn hiểu hơn về Price Action và những ứng dụng cụ thể trong từng trường hợp.
Chúc bạn giao dịch thành công!