Lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại không phải là hình thức lừa đảo mới nhưng nó vẫn diễn ra mỗi ngày và luôn có người mới bị lừa.
Cú lừa 1 tỷ 3 này là 1 câu chuyện có thật từ một học viên của Tô.
Như thường lệ, 6:15 chuông điện thoại kêu và Tô thức dậy, với tay lấy điện thoại và ngưng báo thức vì nếu không làm việc này, cái điện thoại nó sẽ gào thét cho tới khi mình sờ vào nó mới thôi.
Tín hiệu chào cờ của cậu em vẫn nguyên vẹn và mạnh mẽ. Để dịu bớt và qua cái thời điểm chào cờ khó chịu, Tô nằm 1 chút rồi kiểm tra Email, mở TradingView xem đêm qua Market có làm trò mèo gì không.
Cuối cùng là quay sang ôm vợ và mân mê gì đó…
6:56 – Một tin nhắn từ học viên đã học từ năm 2018 gửi đến.
Anh ơi, em vừa bị lừa mất 1,3 tỉ. Giờ em muốn trade lại forex để kiếm lại số tiền đã mất. Em không cần thắng to, thắng lớn gì đâu ạ. Chỉ cần duy trì được ít đồng ra đồng vào thôi ạ. Giờ tinh thần em vẫn đang hoảng loạn quá, không biết bắt đầu từ đâu. Anh cho em lời khuyên lúc này nên làm thế nào với ạ.
Từ một Phụ nữ đang đau thấu tim
Tô hoảng hồn, tín hiệu chào cờ tắt ngúm. Dụi mắt mấy lần vì lỡ mình nhìn lầm. Bình tĩnh lại, Tô đã dành cả buổi sáng để trò chuyện, tâm sự và chia sẻ cùng bạn ấy cách mà Tô đã vượt qua trong thời điểm khó khăn nhất.
Dưới đây là câu chuyện thật mà bạn ấy đang trải qua, các bạn đọc và cảnh giác để không bị lừa nhé.
1. Giăng lưới Lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại
Cách đây 3 tháng, bà em có nhận được 1 cuộc gọi từ nhân viên bưu điện VNPost. Họ bảo bà em có bưu phẩm từ Hà Nội, nhưng do xa quá nên họ mở ra để đọc luôn cho bà em nghe. Trong đó có giấy triệu tập của tòa án, nội dung là mời bà em hầu tòa vì có dư nợ thẻ tín dụng gần 46tr.
Lúc đấy họ bảo cái gì lằng nhằng lắm nên bà đưa máy cho em nghe.
Em cũng nghe nhưng sau đó nói với bà đây là lừa đảo nên bà đừng tin, không cần quan tâm làm gì.
2. Theo đuổi con mồi
Sau đó khoảng 2 tháng thì mọi chuyện bình thường. Em cũng nghĩ là bọn kia thôi rồi.
Nhưng bọn đấy vẫn gọi và em dặn bà em thêm lần nữa là đừng nghe số điện thoại lạ.
Thế mà hôm thứ tư vừa rồi, lại nghe máy rồi bảo em ghi chép thông tin gì đó.
Đoạn này là cái sai của em. Lúc đấy bọn chúng nói gì em cũng nghe theo cả.
3. Đe dọa – Thực hiện kế hoạch lừa đảo
Đầu tiên là nói bà em có dư nợ ở ACB 46tr. Rồi đưa cho công an khu vực giải quyết.
Người tự xưng thiếu úy công an sau đó đưa ra nhiều lời lẽ hăm dọa em và bà.
Đỉnh điểm là bảo bà em có 1 lệnh bắt giữ khẩn cấp vì bị nghi dính đến đường dây ma túy lớn.
Và bọn đấy bảo sổ tiết kiệm 1 tỉ của bà hiện tại ở BIDV là nghi do giao dịch bất hợp pháp với đường dây đó.
Cho nên để thẩm định nguồn tiền, phải chuyển sang 1 tài khoản khác, do em đứng tên nhưng số điện thoại của bọn đấy.
Thế là em cũng làm theo. Rồi lần lượt chuyển hết sang tài khoản đó 3 lần, tổng cộng 1,3 tỉ.
4. Nỗi sợ hãi trong Marketing và lừa đảo trực tuyến
Hình thức lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet này không phải là quá mới tại Việt Nam. VTV – Đài truyền hình Việt nam và các trang báo chí chính thống đã đăng rất nhiều các vụ việc tương tự.
Nhưng có rất nhiều người vẫn bị rơi vào cái bẫy mà những kẻ phạm tội giăng ra vì sao vậy?
Chúng ta sẽ phải xem xét sự việc này dựa trên một kịch bản đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả: ĐÁNH VÀO NỖI SỢ CỦA CÁ NHÂN.
Đánh vào sự sợ hãi của cá nhân không chỉ được các nhãn hàng, các công ty lớn sử dụng để Marketing và phá hoại đối thủ. Nó còn được giới tội phạm áp dụng gần như trong suốt chiều dài lịch sử.
Gần đây nhất là Câu chuyện vô tiền khoáng hậu về thị trường nước tương, nước mắm là một trong những case điển hình ứng dụng thành công chiến thuật marketing dựa trên nỗi sợ hãi.
Sau khi nhận ra được sức tác động mạnh mẽ của “nỗi sợ hãi” (amusemet) tới hành vi của con người, chiến thuật “marketing đánh vào nỗi sợ hãi” đã trở thành một thứ cứu cánh đối với giới marketing và truyền thông.
Khi sợ hãi, người ta sẽ như bị rơi vào trạng thái thôi miên, và ám thị mong muốn được có một thứ cứu cánh để được an toàn.
Tìm kiếm sản phẩm để mua hàng là hành vi phổ biến khi trải nghiệm nỗi sợ. Đó không phải là vì họ muốn đưa ra quyết định đúng đắn, mà họ sợ hậu quả của việc quyết định sai.
Tổng thống G.Bush đã từng trả lời phỏng vấn khi phóng viên hỏi Ông cách giải quyết nỗi sợ hãi sau khủng hoảng 11/9 thì câu trả lời là giúp họ “Mua hàng”.
Chiêu trò Marketing bẩn dựa trên nỗi sợ hãi của khách hàng xuất hiện nhan nhản trên các TVC quảng cáo:
- Muốn không sâu răng, răng không vàng khè thì phải đánh răng “3 lần” mỗi ngày bằng kem đánh răng…. (Nỗi sợ vàng răng và sâu răng)
- “Vươn cao Việt Nam” – Chiến lược Marketing dành cho sữa nhằm nâng cao thể chất trẻ em Việt (Đánh vào nỗi sợ Nhỏ con – Lùn)
Các chiêu trò Marketing bẩn này có nét tương đồng với hình thức phạm tội trực tuyến nói chung và giới tội phạm nói riêng. Trong các vụ lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet thì đây gần như là lý thuyết nền tảng để xây dựng kịch bản lừa đảo.
Con người luôn có rất nhiều nỗi sợ:
- Sợ nguy hiểm tới tính mạng
- Sợ dính vào pháp lý
- Sợ xấu mặt với hàng xóm
- Sợ cậu em nhỏ và ngắn…
- Sợ ngực phẳng….
Và bọn tội phạm đã khai thác rất hiệu quả nỗi sợ này.
5. Đối tượng bị lừa đảo được chọn lọc
Các hình thức lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet được thực hiện với kịch bản gồm 3 bước nêu trên.
Và những kẻ phạm tội dường như cũng là những kẻ nghiên cứu Marketing đại tài vì chúng đã phác họa sẵn chân dung “MỤC TIÊU” và khoanh vùng mục tiêu.
Các đối tượng dễ bị lừa đảo bao gồm:
- Sinh viên nữ
- Phụ nữ
- Người già (nữ giới)
- Người dân ở các vùng nông thôn và miền núi.
Các đối tượng này thường rất lo ngại các vấn đề về pháp lý và gần như không đủ khả năng để thẩm định thông tin. Chỉ cần các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet gọi, đe dọa là cuống lên và mất hết lý trí ngay.
6. Làm sao để vượt qua nỗi sợ và tránh bị lừa đảo
Để vượt qua nỗi sợ và tránh các tình trạng bị lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet, Tô cho rằng cách duy nhất là bạn có đủ lý trí, khả năng để thẩm định thông tin những kẻ gọi điện cho bạn qua điện thoại.
Tô sẽ chia sẻ những suy nghĩ về việc này như sau:
6.1 Bình tĩnh suy nghĩ về cuộc điện thoại
Đây là điều quan trọng nhất, trong bất cứ trường hợp nào. Con người thường đưa ra những quyết định sai lầm nhất khi tâm trạng của họ tồi tệ nhất.
Đặc biệt là khi đang bị khủng bố và đe dọa.
Đối với hình thức lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại, thì chúng ta có nhiều thời gian hơn để xem xét kỹ tình huống và đưa ra quyết định.
Tô sẽ thực sự hành động khi có sự kiện thực tế diễn ra chứ không thông qua lời nói.
6.2 Xem xét điểm hợp lý và phi lý
Gói hàng và nhân viên bưu điện: Nhân viên giao hàng và bưu điện không được phép xem và bóc trực tiếp gói hàng mà họ được ủy thác để giao hàng. Đặc biệt là lệnh của Tòa Án, cơ quan điều tra.
Như vậy việc nhân viên bưu điện nói xa quá mở gói bưu kiện và đọc nội dung giấy triệu tập của tòa án là hoàn toàn phi lý. Nói khác đi thì có thể nhân viên bưu điện chính là Người của bọn đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại này.
Các tài liệu của Cơ quan có thẩm quyền: Giấy triệu tập của Tòa án chỉ được phát đi khi đã có quyết định khở tố vụ án, khởi tố bị cáo.
Ở điểm này chúng ta cần phải lưu ý rằng trước khi tới mức phải Nhận giấy triệu tập của Tòa án, thì nếu thực sự vi phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị triệu tập và điều tra bởi cơ quan điều tra trước.
Hồ sơ sau khi điều tra sẽ được chuyển sang Viện Kiểm Soát và Viện Kiểm Soát sẽ giữ quyền Công tố, đưa ra mức án đề nghị nếu cần. Tòa án sẽ xem xét vụ việc, xét hỏi và dựa vào chứng cứ, dựa vào đề nghị của VKS để đưa ra quyết định cuối cùng.
Toàn bộ các tài liệu liên quan tới các vụ án dân sự và hình sự đều phải được gửi trực tiếp và phải trao tận tay những người có liên quan. Công An Xã – Phường cũng sẽ được thông báo.
Cơ quan điều tra không được phép làm việc với các bên thông qua điện thoại
Đây là yếu tố quan trọng nhất và là điểm cốt tử để nhận dạng lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet. Thông thường nếu được triệu tập, bạn sẽ phải cầm giấy triệu tập, đúng ngày, giờ ra đơn vị được ghi rõ trên giấy triệu tập để làm việc trực tiếp và lấy lời khai.
Thông thường bạn sẽ được triệu tập tới Cơ quan công an gần nhất như Công An Xã – Phường hoặc Công An huyện.
Các nhân viên điều tra sẽ trực tiếp gặp bạn để làm việc tại cơ quan gần nhất. Như vậy, công an mà cứ gọi điện đe dọa thì chắc chắn đây không phải công an xịn rồi. Nó là công an giả mạo trong đường dây lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại.
Tô đã từng làm việc với công an và các đồng chí ấy rất dễ thương. Hỏi đáp ân cần và hướng dẫn tận tình chứ không hề đe dọa như những đối tượng lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại đang mạo danh kia đâu.
Tất cả giấy tờ bạn trao cho Công An cần được sao lưu và giữ nguyên bản
Sau khi viết tường trình vào tờ khai và trước khi trao nó cho các nhân viên điều tra, bạn cần chụp ảnh, hoặc thậm chí yêu cầu photo có công chứng để đảm bảo lời khai của bạn không bị tẩy xóa, chỉnh sửa và… thêm dấu.
Được quyền ủy quyền cho luật sư làm việc với cơ quan điều tra
Đây là quyền lợi của bạn trước khi bạn làm việc trực tiếp với cơ quan điều tra để tránh những hậu quả kiểu như: “Những gì bạn nói sẽ là bằng chứng kết tội bạn trước tòa.”
Gọi điện trực tiếp tới Tòa Án
Thông thường lệnh triệu tập sẽ phải có Số lệnh, nơi triệu tập, người liên hệ. Để biết bạn thực sự có bị tòa án triệu tập hay không. Cứ gọi thẳng tới tòa án.
Trước khi gọi cho Tòa án, bạn phải gọi lại cho những kẻ đang thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và hỏi rõ:
- Số giấy triệu tập
- Người ký giấy triệu tập
- Ngày giờ ký giấy triệu tập
- Thời gian
- Địa chỉ triệu tập
Dưới đây là biểu mẫu Giấy triệu tập trong lĩnh vực Tố tụng dân sự do Tòa Án Nhân dân tối cao cung cấp:
Và lưu ý là trước khi một vụ án được xét xử thì thường sẽ có ít nhất 3 lần hòa giải đặc biệt là trong các vụ án liên quan tới tiền bạc. Chứ ai lại chưa hòa giải đã lôi nhau lên tòa xử ngay như bọn lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại đang thực hiện. True!?
Gọi điện trực tiếp tới Ngân hàng – Tổ chức mà bạn bị cáo buộc là nợ
Đây là cách nhanh nhất vì nếu như bạn thực sự có vấn đề ngân hàng sẽ cho nhân viên gọi cho bạn, hoặc người có liên quan trước khi bạn thực hiện việc này.
Nhưng nếu bạn bị đe dọa cứ gọi thẳng lên ngân hàng tất cả các ngân hàng đều có số tổng đài 24/7.
Mà thực ra cách nhanh nhất là bạn tới thẳng ngân hàng yêu cầu cho gặp Giám đốc chi nhánh để xem xét vấn đề.
Nếu như có tranh chấp, thì Ngân hàng sẽ liên lạc để giải quyết vấn đề với bạn trước khi phải dắt nhau ra tòa. Chẳng ai muốn ra tòa cả. Chỉ có bọn lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet và bọn đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi mới lấy công an và tòa án ra để dọa mà thôi.
Cách duy nhất mà ngân hàng thực hiện khi nghi ngờ lừa đảo hoặc xuất hiện nhiều giao dịch bất thường đó là khóa hoặc đóng băng tài khoản nghi ngờ sau đó gọi điện cho chủ tài khoản để xác minh.
Không cung cấp Internet Banking cho bất kỳ ai
Internet Banking là tài sản của bạn và cần được bảo mật. Bạn thậm chí có quyền từ chối cung cấp cho cơ quan an ninh nếu các yêu cầu mà họ đưa ra là phi lý và trái pháp luật.
Cơ quan điều tra trong trường hợp khẩn cấp, chỉ được phép yêu cầu phía ngân hàng đóng băng tài khoản giao dịch của bạn để điều tra.
Và nếu như cơ quan điều tra, phía Viện kiểm sát không chứng minh được là bạn có tội, bạn có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường. Ít nhất là yêu cầu bồi thường tiền lãi theo lãi suất ngân hàng cho số ngày mà tiền của bạn bị đóng băng để điều tra.
Cuối cùng: Bạn phải hiểu luật và có người tư vấn nên khi gặp vấn đề đừng giấu như mèo giấu cứt bởi vì có thể bạn sẽ bốc cứt luôn nếu giấu đấy.
7. Một số kiểu lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại biến tướng
Một số hình thức lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại khác có kịch bản gần giống với kịch bản trên sẽ nhắm đối tượng là các cửa hàng.
Câu chuyện là Tô có tạo Google Maps cho một ông chú bán Lẩu Trâu ở quê có chụp hình quán kèm số điện thoại, địa chỉ cụ thể.
Sau vài tháng, ông chú bỗng nhận được các bưu phẩm và giao đến tận nhà. Bưu phẩm chuyển phát dạng COD và Phải trả tiền mới được xem hàng.
Trước khi nhân viên bưu điện tới gửi hàng, bọn tội phạm đã gọi trước và nói rằng đây là các tài liệu phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm… bắt buộc do bên Phòng cháy chữa cháy và An toàn thực phẩm gửi.
Một vài tuần sau lại có các số điện thoại nặc danh đe dọa và yêu cầu gửi tiền nếu không muốn bị kiểm tra an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy….
Ông chú đã lo sợ và đóng luôn trang Google Maps.. Về sau nó không thể hiện lại trên bản đồ nữa ảnh hưởng rất nhiều tới việc kinh doanh.
Một hình thức lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet khác đó là lừa trúng thưởng tiền tỷ, yêu cầu chuyển tiền để nhận thưởng bla bla.
Rõ ràng gửi là chuyện của chúng nó, nhưng nhận hay không là quyền của chúng ta. Nhận mà lại bỏ tiền để nhận dù mình không đặt thì đó chắc chắn là lỗi của chúng ta rồi.
8. Lời kết
Lừa đảo chiếm tiền qua điện thoại và Internet vẫn sẽ liên tục diễn ra nhưng kịch bản thì đa phần là giống nhau. Chúng ta sẽ phải cảnh giác trước những vụ việc này và gửi thông tin để những người thân được biết.
Điều quan trọng nhất để tránh bị lừa đảm chiếm tiền qua điện thoại và Internet là phải bình tĩnh và tìm đến luật sư để được tư vấn nếu có nguy cơ rơi vào vòng lao lý.
Chúng ta sẽ chỉ góp ý và để lại những bình luận lịch sự để những người tiếp cận được nội dung này họ có thể tiếp nhận và rút ra bài học kinh nghiệm.
Chúng ta không công kích những người vừa bị lừa. Chúng ta lên tiếng vì những kẻ xấu đang tồn tại để cảnh giác mọi người.
Trước khi muốn đầu tư tài chính, chúng ta phải biết cảnh giác trước các trò lừa đảo và tự thẩm định mọi thông tin trước cái đã.
Chúc bạn sẽ tránh được những lừa đảo trực tuyến thế này!
P/S: Bạn ấy có nhờ Tô chia sẻ và góp ý để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Tô nghĩ nếu được sự góp ý của cộng đồng để bạn ấy vượt qua sẽ là rất tốt. Bạn ấy sinh viên năm cuối!
11 bình luận
kinh nghiệm hay quá ạ, đọc để có thể kiến thức để xử lý khi gặp những trường hợp thế này vì chả biết được khi nào người thân mình rơi vào tình cảnh như này
Đúng là ko mới nhưng ko bao giờ là thừa. Thường thì con mồi bao giờ cũng là cánh phụ nữ, mà bọn này nó ăn cắp thông tin từ phía ngân hàng hay sao ấy nhỉ ?!
cảm ơn anh Tô đã chia sẻ bài viết. thủ đoạn này tivi và báo chí đã nói nhiều. nhưng lừa đảo theo kiểu săn mồi như thế này thì quá đáng sợ.
Nó có Kế hoạch và phân thời gian theo đuổi quá ghê luôn.
Những điểm yếu con người hay bị bọn lừa đảo nhắm tới đó là: LÒNG THAM, LÒNG THƯƠNG, và NỖI SỢ.
Tình thương lừa được ít tiền nhất nhưng lừa được trong thời gian dài nhất.
Lòng tham và nỗi sợ thì lừa được nhiều tiền nhất, và đa phần mỗi người chỉ bị lừa 1 lần.
cảm ơn bác Tô đã chia sẻ bài viết. mình chỉ có vài lời tới người bạn trẻ đó là: giai đoạn hiện tại mình biết bạn gặp khó khan về tâm lý lẫn tiền bạc.trước mắt có thể bạn cần 1 không gian yên tĩnh như ở bãi biển hoặc nghe những bản nhạc nhẹ nhàng chẳng hạn để bình tâm lại, khi con người bình tĩnh thì sẽ có những quyết định đúng cho sự việc sau này dù bạn muốn kiếm tiền lại chẳng hạn, tiền đã mất đi nếu công an vào cuộc tìm lại dc thì điều đó đáng mừng, nhưng đối với bạn hiện sinh viên năm cuối thì còn con đường học tập nên mong sao bạn vực dậy để hoàn thành xong con đường mình chọn. chúc bạn may mắn
Bạn còn trẻ mất tiền rồi sẽ còn rất nhiều cơ hội để kiếm lại. Có thể trong lúc này bạn lên công an và trình báo toàn bộ sự việc. tập trung chính vào công việc hiện tại và làm sao giải thoát được tâm lý. mình cũng mất gần bằng nửa số như bạn và mấy tháng nay mình cũng chưa thoát khỏi tâm lý đó.
Ai cũng sẽ mắc phải sai lầm trong cuộc đời quan trọng là hãy bình tĩnh vượt qua nó. Bạn còn trẻ, còn sức khỏe sẽ có thể tìm lại những gì đã mất.
Việc cần làm bây giờ là:
1. Hợp tác và cung cấp thông tin cho cơ quan công an.
2. Tiếp tục học cho tới khi ra trường
3. Không oán trách, chán nản hay thất vọng vì thiếu đi 1 cá nhân nào, cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Những thất bại và vấp ngãn đến sớm là một may mắn vì sau này chắc chắn sẽ không xảy ra lần thứ hai nữa. Và vì nó đến sớm, chỉ cần “do the right things” tự khắc cuộc đời sẽ đối xử đẹp về sau!
Trước tiên bình tĩnh lại bạn ạ . Tập trung vào công việc bạn đang làm rồi từ từ tích cóp lại thôi. Chúc bạn vượt qua vận hạn này