Tổng kết thị trường 2022: VNINDEX bét bảng, Vàng giữ giá, USD là tài sản duy nhất sinh lời

Năm 2022 đã khép lại và đây là thời điểm chúng ta cần dành 1 chút thời gian để xem lại về Hiệu suất của các loại tài sản để chuẩn bị cho năm 2023 đầy khó khăn và thách thức phía trước.

Trong nội dung tổng kết này, Tôi sẽ xem xét 4 lĩnh vực chính là Các chỉ số chứng khoán toàn cầu, Các chỉ số tiền tệ, Giá vàng và Giá Bitcoin.

Tham số được đưa vào sẽ là Giá Open và giá Close (Không phải giá High và Low) để tính hiệu suất.

Công thức tính cơ bản:

  • Thay đổi = Close – Open
  • Tỷ lệ = (Thay đổi/Open)x100%

Thị trường chứng khoán toàn cầu

Tổng kết thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2022
Tổng kết thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2022

Thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2022 có vẻ còn thảm khốc hơn cả năm 2020 vì các đợt sụt giảm kéo dài. Nếu năm 2020 chúng ta chưa kịp cảm nhận nỗi đau chứng khoán giảm sốc, nó đã phục hồi thần tốc và chữa lành vết thương, thì năm 2022 chúng ta đang thấy mỗi ngày qua đi, nhà đầu tư lại bị cứa thêm 1 nhát dao và nó cứ chảy máu từ từ.

Điểm mặt Top 5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất theo thống kê bên trên theo thứ tự chúng ta có:

  1. NDX – US Nasdaq 100 giảm 33.28%
  2. VNINDEX – Việt Nam giảm 32.24%
  3. KOSPI – Hàn Quốc giảm 25.42%
  4. SPX – US SP 500 giảm 19.65%
  5. HSI – Hong Kong giảm 15.86%

Như vậy chúng ta có thể thấy VNINDEX từng là điểm sáng chứng khoán thế giới năm 2020 – 2021 đã quay lại đội sổ năm 2022.

Biểu đồ so sánh mức thay đổi chỉ số chứng khoán toàn cầu 2022
Biểu đồ so sánh mức thay đổi chỉ số chứng khoán toàn cầu 2022

Các yếu tố chính khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào hoảng loạn và giảm điểm sâu bao gồm:

  1. Lạm phát tăng nhanh và mạnh mẽ khiến các ngân hàng trung ương liên tục phải tăng lãi suất khiến thị trường chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm
  2. Việc lạm phát tăng nhanh cũng làm cho nhu cầu tiêu dùng suy giảm kéo theo thu nhập của các công ty hàng đầu suy giảm khiến thị trường chứng khoán lao dốc.
  3. Chiến tranh Nga – Ukraina gây ra khủng hoảng trên thị trường năng lượng khiến chỉ số giá tiêu dùng liên tục gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, đe doạ về an ninh lương thực toàn cầu. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số giá sản xuất giữ giá hàng hoá ở mức cao trong khi nhu cầu giảm làm trầm trọng thêm bức tranh kinh doanh của các công ty.
  4. Các lệnh trừng phạt từ Phương tây đối với Nga làm thương mại toàn cầu sụt giảm ảnh hưởng tới các tập đoàn kinh doanh toàn cầu và gây ra các khoản lỗ lớn khi bán lại các tài sản tại Nga để tránh các lệnh trừng phạt.
  5. Cú sụp đổ của thị trường trái phiếu, đặc biệt là Trung Quốc khiến dòng vốn bị rút mạnh khỏi các quỹ, các thị trường vốn gây ra hiệu ứng Domino trên toàn cầu kéo theo sau đó là các đợt khủng hoảng thị trường trái phiếu tại Ý, Nhật Bản, Vương Quốc Anh, Việt Nam….
  6. Áp lực về suy thoái khiến nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao, khẩu vị rủi ro giảm kích hoạt dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán.

Thị trường tiền tệ

Dollar is King – Đồng USD là vua đã được thể hiện trong năm 2022 khi đây là loại tài sản duy nhất sinh lời trong năm 2022.

Kết thúc năm 2022, Đồng USD giữ được mức tăng 8.17% so với thời điểm đầu năm 2022.

Tổng kết thị trường tiền tệ 2022
Tổng kết thị trường tiền tệ 2022

Đồng USD giữ được vị thế nhờ các lý do sau:

  1. Nền kinh tế hoa Kỳ hoạt động tốt bất chấp lạm phát đạt đỉnh, chiến tranh. Điều này được thể hiện qua Tỷ lệ thất nghiệp giữ ở ngưỡng 3.7%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ, GDP liên tục tăng trưởng hơn 2%/quý.
  2. Cục dự trữ liên bang FED liên tục lãi suất đồng USD và đưa lãi suất USD lên ngưỡng trên 4% khiến cho đồng USD trở thành thỏi nam châm hút dòng vốn đầu cơ.
  3. Sự suy yếu từ các đồng tiền trong rổ định giá của đồng USD khi lạm phát tăng cao trong đó phải kể đến sự suy yếu của đồng JPY, GBP và EUR.
    Kết thúc năm 2022, JPY và GBP là hai loại tiền tệ yếu nhất khi JPY mất 12.24% giá trị trong khi GBP mất 10.44% giá trị.

Điều đáng bất ngờ xảy ra trong 2 tháng cuối năm 2022 khi đồng USD bất ngờ suy yếu, EUR và JPY phục hồi rất mạnh khiến cho USD mất hơn 8% giá trị so với mức đỉnh năm 2022.

Sự kiến lớn nhất năm 2022 trên thị trường tiền tệ xoay quanh 2 đồng tiền là USD và JPY với sự đối lập đến từ 2 ngân hàng trung ương.

Trong khi FED liên tục tăng lãi suất cực kỳ mạnh mẽ trong vài thập kỷ trở lại đây khiến USD liên tục tăng giá thị BOJ cùng chính phủ Nhật Bản liên tục khẳng định sẽ giữ chính sách lãi suất âm và giữ đồng Yên Nhật yếu nhất có thể bất chấp lạm phát tại Nhật vượt lên ngưỡng 2% và bỏ xa lạm phát kỳ vọng khiến JPY liên tục rớt giá. Có những thời điểm JPY mất hơn 20% giá trị so với đầu năm 2022 và rơi xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ.

Cú sốc đầu tiên khiến JPY bắt đầu thay đổi đến từ việc can thiệp trực tiếp vào tỷ giá của Bộ tài chính Nhật Bản và sau đó là cú quay xe bất ngờ nới biên lãi suất Trái phiếu 10 năm của Nhật Bản từ 0.25% lên 0.5% từ BOJ khiến giới đầu tư kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới với lãi suất của JPY. Điều này khiến JPY bứt tốc và trở thành đồng tiền mạnh nhất nửa cuối năm 2022 vượt qua cả USD.

Vàng thể hiện vị thế trong bão lạm phát

Khi FED tăng lãi mạnh mẽ khiến USD tăng mạnh và kéo theo Lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm tăng mạnh khiến vàng chịu áp lực giảm giá sâu, chúng ta đã nghi ngờ về vị thế của vàng trước bão lạm phát. Nhưng ngay khi FED giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất thì Vàng đã trở lại đầy bất ngờ và hiên ngang.

Kết năm 2023, Vàng gần như không thay đổi giá trị khi chỉ đánh mất 0.27% giá trị, điều này này không đáng kể. Như vậy, Vàng đã thể hiện vị thế là loại tài sản trú ẩn an toàn, giữ giá rất tốt khi hầu hết các thị trường khác đều giảm giá mạnh.

Các sự kiện nổi bất tác động tới giá Vàng năm 2022 là:

  1. Chiến tranh Nga – Ukraina vào tháng 02-2022 khiến Giá Vàng tăng mạnh 10% từ $1888/oz lên $2070/oz.
  2. Cục dự trữ liên bang – FED tăng lãi suất đồng USD mạnh mẽ trong cả năm giúp USD mạnh lên, Lợi tức trái phiếu mạnh lên làm Vàng giảm mạnh từ $2070/oz về $1614oz tức mất 22% giá trị.
  3. Lo ngại suy thoái và việc FED đang giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất giúp giá vàng phục hồi
  4. Các ngân hàng có quý 3 mua Vàng dự trữ mạnh nhất trong 55 năm khiến Vàng phục hồi gần như toàn bộ mức giảm của năm 2022 từ $1614 về $1823 tức tăng 12% để kết năm 2022 gần như không mất giá trị.

Với việc các ngân hàng Trung ương chưa hề giảm mức độ mua và nguy cơ suy thoái ngày một mạnh mẽ, Vàng sẽ tiếp tục có cơ hội năm 2023.

Biểu đồ thay đổi giá trị các loại tài sản năm 2022
Biểu đồ thay đổi giá trị các loại tài sản năm 2022

Bitcoin sụp đổ

Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hoá nói chung trải qua năm 2022 tồi tệ. Kết thúc năm 2022, Bitcoin mất 64.21% giá trị khi giảm từ ngưỡng $46212 về thời điểm kết thúc năm 2022 là $16541.

Các sự kiện chính khiến Bitcoin sụp đổ trong năm 2022 cùng thị trường tiền số điển hình:

  1. Cú sụp đổ của đồng Luna trong 1 ngày sau khi Bitcoin mất 50% giá trị từ đỉnh như gáo nước lạnh đổ vào đầu Crypto Market.
  2. Ngay sau đó FTX – Sàn giao dịch tiền số Top 3 thế giới sụp đổ khi toàn bộ tài sản của nhà đầu tư đặt trên sàn giao dịch này đã bị rút ruột. Sự kiện này khiến làn sóng rút tiền khỏi các sàn giao dịch Online gia tăng. Binance đã báo cáo hàng chục tỷ USD bị rút khỏi sàn giao dịch này và đặt ra dấu hỏi về thanh khoản thực sự của sàn.
  3. Ông lớn cho vay tiền số Blockfi phá sản cùng FTX
  4. Quỹ Bitcoin ETFs tỷ đô (BITO) mất 79% giá trị khi giá trị NAV giảm từ $44.29 xuống thời điểm kết năm 2022 chỉ còn $10.41

Các sự cố nghiêm trọng trên khiến niềm tin vào thị trường tiền mã hoá sụt giảm nghiêm trọng và câu chuyện vẫn chưa hồi kết khi NYC của SBF (Founder FTX) đã nhận tội trước buổi điều trần và cho biết FTX có cơ chế cho phép rút tài sản khỏi hệ thống mà không cần qua bất kỳ khâu kiểm soát nào kể cả hệ thống kế toán và kiểm toán.

Quỹ trái phiếu lỗ nặng

Phần cuối cùng, Tôi muốn điểm mặt một trong các Quỹ mà Tôi rất tin tưởng, nhưng cuối cùng nó đã sụp đổ theo một cách mà không ai có thể ngờ tới được.

Từ mức tổng giá trị quỹ gần 30.000 tỷ, chỉ trong vài ngày, Quỹ đã bị rút hơn 2/3 giá trị khiến cuộc khủng hoảng bắt đầu. Giá trị NAV của Quỹ giảm 20% giá trị trong 1 ngày khiến khoản lợi nhuận của gần 3 năm từ mức dương 20+% trở về 0.

Đó chính là cú sụp đổ của Quỹ trái phiếu TCBF – một quỹ được coi là lớn nhất thị trường tại Việt Nam.

Cú sụp đổ của Quỹ trái phiếu TCBF năm 2022
Cú sụp đổ của Quỹ trái phiếu TCBF năm 2022

Đây là bài học đau đơn mà Tôi phải rút ra sau hơn 5 năm tham gia đầu tư vào quỹ này.

Tổng kết

Khép lại năm 2022, chúng ta chứng kiến một năm đau đơn với giới đầu tư. Bản thân Tôi cũng trải qua những cú sốc và cú sốc mạnh nhất là với Quỹ Trái phiếu TCBF.

Rất may mắn khi Tôi quyết định rút toàn bộ tiền khỏi quỹ TCBF ở thời điểm đó và quay trở lại thị trường chứng khoán ở ngay vùng đáy 873 điểm để recover được khoản lỗ từ Quỹ TCBF.

Đối với Giá Vàng, nhờ chiến lược và phân tích Vàng giai đoạn 2023 – 2028, Tôi đã tham gia được với thị trường Vàng vật chất và có 1 chút lợi nhuận.

Đối với thị trường chứng khoán, nhờ kịch bản với điểm chờ đợi của VNINDEX tại 938 điểm, Tôi đã tránh được cú đổ máu khi thoát gần như toàn bộ cổ phiếu ở vùng VNINDEX 1400 điểm.

Đối với thị trường Crypto, Tôi cũng may mắn khi liên tục bán khống Bitcoin và có 1 chút lợi nhuận!

Đặc biệt hơn, Tôi đã được chia sẻ và góc nhìn với các anh chị nhà đầu tư, đồng hành cùng các anh chị trong suốt 2022, đánh dấu năm thứ 5 liên tục được đồng hành cùng các anh chị

Xin chân thành cảm ơn và chúc các anh chị nhà đầu tư 2023 An khang – Thịnh Vượng!

Tô Triều

Founder tohaitrieu.net

4.5/5 - (10 bình chọn)

Nội dung bài viết

Kết quả giao dịch tháng này

  • DOANH THU 695.32 $

    Tổng lợi nhuận các giao dịch tháng này

  • CHI PHÍ -754.68 $

    Tổng thua lỗ các giao dịch tháng này

  • LỢI NHUẬN -59.36 $

    Kết quả Lợi nhuận + Thua lỗ tháng này

Nhận phân tích qua email

1325 nhà đầu tư đã đăng ký nhận email mỗi tuần!