Trong quá trình đọc một số cuốn sách về Triết học Tô tình cờ đọc được một vài mẩu truyện cười thú vị và dí dỏm. Triết học không chỉ hạn chế Trong tư tưởng của một số người, hoặc một trường phái nào đó. Nhưng khi đi học, tại các trường Đại học, thường chỉ nghiên cứu về Tư tưởng của 1 số ít người, đếm trên đầu ngón tay và chưa hết một bàn tay.
Trong đó, đa phần là những lý thuyết mà thiếu đi sự vui vẻ, tếu táo khiến cho mọi thứ về Triết học như là một cái gì đó khó nhằn lắm.
Trong cuốn sách Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán Bar của Thomas Cathcart & Daniel Klein, Tô tìm hiểu và dễ hiểu hơn về Triết học thông qua bố cục đơn giản, hiệu quả mà hai tác giả này đã Viết. Trong cuốn sách này đề cập tới rất nhiều vấn đề, nhưng vô cùng dễ hiểu như Siêu hình học, các lập luận logic, phi logic, Logic quy nạp, Logic diễn dịch, hay các kiểu nguỵ biện… rồi tới các vấn đề về Triết học tôn giáo.
Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán Bar sẽ phá tan suy nghĩ rằng Triết học thật nhàm chán và khó học của biết bao thế hệ sinh viên… giá mà…
Dưới đây, Tô trích (Spoiler) một vài Truyện cười Triết học, ngắn gọn, dễ hiểu, vui vẻ mà hết sức thâm sâu mời các bạn cùng đọc cho vui.
Truyện cười Triết học về PHÉP NGỤY BIỆN “POST HOC ERGO PROPTER HOC”
Lưu ý: Post Hoc Ergo Propter Hoc tiếng Latinh, có nghĩa là: “Đến sau do đó là hậu quả của cái trước” – một lỗi logic có thể diễn giải như sau: “Vì sự kiện đó đi sau sự kiện này, nên sự kiện đó do sự kiện này mà ra.”
Một quý ông Do Thái lớn tuổi cưới một cô vợ trẻ, và họ yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, dù đức ông chồng nỗ lực cách mấy trên giường, chị vợ cũng không bao giờ đạt cực khoái. Vì một người vợ Do Thái có quyền hưởng khoái cảm tình dục, nên họ quyết định đến hỏi giáo sĩ. Nghe đôi vợ chồng trình bày xong, ông giáo sĩ vuốt râu, và đưa ra lời gợi ý sau đây:
“Hãy thuê một thanh niên to khỏe. Khi hai người làm tình, thì nhờ anh ta vẫy vẫy chiếc khăn tay ở phía trên. Việc đó sẽ giúp cho người vợ trở nên mơ màng và hẳn sẽ đem lại cực khoái.”
Đôi vợ chồng đi về nhà và làm theo lời khuyên của giáo sĩ, họ thuê một anh chàng đẹp mã vung vảy chiếc khăn khi họ làm tình. Vô ích, chị vợ vẫn không thỏa mãn.
Bối rối, họ lại tìm tới ông giáo sĩ. “Thôi được“, giáo sĩ nói với đức ông chồng, “hãy thử làm ngược lại. Để người thanh niên làm tình với vợ ông, còn ông thì vẫy khăn phía trên họ.” Một lần nữa, hai vợ chồng lại làm theo lời khuyên của giáo sĩ.
Anh chàng đẹp trai lên giường với chị vợ, còn ông chồng đứng vẫy khăn. Chàng trai vào việc hết sức khí thế, chẳng mấy chốc chị vợ đã cực khoái, la hét rung chuyển cả căn buồng.
Người chồng mỉm cười nhìn chàng trai, đắc thắng nói, “Thằng đần ạ, phải biết vẫy khăn như thế chứ!”
Truyện cười Triết học về Hiện tượng luận
“Bác sĩ Janet,” người phụ nữ bối rối nói. “Tôi có vấn đề về tình dục. Chồng tôi không thể làm tôi hứng lên được.”
Bác sĩ Janet nói, “Thôi được, ngày mai tôi sẽ khám kỹ. Hãy đưa cả chồng chị đến nhé.”
Hôm sau, người phụ nữ đến cùng với ông chồng. “Xin hãy cởi quần áo ra, ông Thomas,” bác sĩ nói. “Bây giờ hãy xoay một vòng. Tốt lắm, còn bây giờ xin hãy nằm xuống. À-há, tôi thấy rồi. Xong rồi, ông có thể mặc lại quần áo.”
Bác sĩ Janet kéo người phụ nữ sang một bên. “Chị hoàn toàn khỏe mạnh,” cô nói. “ông ấy cũng không làm tôi hứng lên được.”
Truyện cười Triết học về Thuyết Vị Lợi
Chàng: Em có chịu ngủ với anh lấy một triệu đô la không?
Nàng: Một triệu đô ư? Chà! Em nghĩ là có.
Chàng: Thế hai đô la thì sao?
Nàng: Biến đi, ông kễnh! Anh nghĩ tôi là hạng người nào chứ?
Chàng: Hạng người nào thì chúng ta đã xác định xong rồi. Bây giờ chỉ là thỏa thuận xem giá cả thế nào thôi.
Tạm thời gác các Truyện cười Triết học này sang một bên, giờ chúng ta thử tìm hiểu về Quy tắc Vàng và những biến thể của nó được đề cập trong Plato và con thú mỏ Vịt bước vào quán Bar xem sao. Được đề cập trong phần “MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI TỐI CAO VÀ QUY TẮC VÀNG CỔ XƯA”
Quy tắc vàng: “Hãy làm cho người khác điều mà anh muốn người khác làm cho anh.”
Mệnh lệnh tuyệt đối tối cao: “Hãy chỉ hành động theo châm ngôn nào mà anh đồng thời có thể muốn nó trở thành quy luật phổ quát.”
HINDU GIÁO (khoảng thế kỷ mười ba trước C.N): Đừng làm cho kẻ khác những gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình…Đây là toàn bộ Dharma (Pháp). Hãy nhớ kỹ. – Mahabharata
DO THÁI GIÁO (khoảng thế kỷ mười ba trước C.N): Điều ngươi không ưa thì chớ làm cho người bên cạnh; đó là toàn bộ Torah (Năm quyển đầu của bộ Kinh Thánh Do Thái, thường gọi là Luật Giao Ước hay Ngũ Kinh của Moses); phần còn lại đều là bình chú; hãy học lấy điều này. – Talmud Babylone
HỎA GIÁO (khoảng thế kỷ mười hai trước C.N): Bản tính con người chỉ là thiện khi không gây cho kẻ khác bất kỳ điều gì không là thiện đối với chính mình. – Dadistan-i-Dinik
PHẬT GIÁO (khoảng thể kỷ sáu trước C.N): Đừng gây cho người khác nỗi đau mà chính anh cảm thấy là đau đớn. – Dhamamapada Tây Tạng (Kinh Pháp Cú)
KHỔNG GIÁO (khoảng thế kỷ sáu trước C.N): Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). – Khổng Tử (Luận Ngữ)”
HỒI GIÁO (khoảng thế kỷ bảy): Không ai trong các ngươi thành tín đồ được cho tới khi các ngươi muốn cho người khác những gì các ngươi muốn cho chính mình. – “Sunnah”, trích Hadith
BAHÁ’Í (khoảng thế kỷ mười chín): Chớ gây cho bất kỳ ai khác điều ngươi sẽ không tự gây ra cho chính mình, và chớ nói với bất kỳ ai điều ngươi sẽ không nói với mình. Đây là mệnh lệnh của ta dành cho ngươi, hãy tuân thủ. – Bahá’u’lláh, Ẩn Ngữ
THUYẾT SOPRANO (thế kỷ hai mươi mốt): Hãy nện gã bên cạnh anh với lòng kính trọng mà anh muốn được hưởng khi bị nện, hiểu chưa?
Câu thoại của nhân vật Tony Soprano, một tên tội phạm người Mỹ gốc Ý trong bộ phim truyền hình nổi tiếng The Sopranos (đạo diễn David Chase).
Thông tin cuốn sách:
Tên sách: Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán Bar
Tác giả: Thomas Cathcart & Daniel Klein
Phát hành: Nhã Nam
Mua Sách: https://bit.ly/plato-va-con-thu-mo-vit-buoc-vao-quan-bar